Cử tri lo lắng tình trạng cháy nổ chung cư, bắt cóc trẻ em
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay, Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội. Trong buổi sáng, các đại biểu đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2023.
Trình bày các báo cáo (tóm tắt) kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2023… ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kết quả Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án Luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… và kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản. “Tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng; hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở lên phổ biến; tình trạng công nhân ngừng việc tập thể vẫn còn tiếp diễn; tình trạng lộ thông tin cá nhân; quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đúng sự thật; cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen; giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân; tình hình cháy nổ tại khu dân cư có mật độ người ở cao vẫn còn tiếp diễn, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản…”, ông Bình nói.
Tổng hợp từ các địa phương, theo ông Bình, trong tháng 9/2023 các vụ việc liên quan đến chung cư mini; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất, về chất lượng xây dựng, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và việc quản lý, vận hành tòa nhà cho các hộ dân và liên quan đến việc cắt giảm lao động, đình công, ngừng việc tập thể của công nhân, người lao động;… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp cần được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Tập trung xử lý khiếu kiện đất nông, lâm trường quốc doanh tại Tây Nguyên
Về tình hình khiếu nại, tố cáo tháng 9, Trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. "Tại thành phố Hà Nội thường xuyên có từ 40 – 50 công dân của 20 địa phương khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Trung ương, hàng ngày số người này nhiều lần tập trung đông người rồi di chuyển đến trung tâm chính trị Ba Đình gây phức tạp về an ninh, trật tự. Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng và Tổ công tác của 18 địa phương tổ chức tiếp đã tiếp, tuyền truyền, vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương để được giải quyết theo quy định”, ông Bình nói.
Ông Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu để hạn chế việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc chuyển đơn đối với vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu thập, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội và cử tri quan tâm để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.
Đối với Chính phủ, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là hoạt động thanh tra công vụ về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý. "Trước mắt tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh tại một số tỉnh Tây Nguyên", ông Bình nói.
Cho ý kiến, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết. Tuy nhiên, kết quả này mới đạt tỷ lệ 89,5%. “ Nhiều vụ việc có thống kê, nhưng chưa có lộ trình xử lý, đề nghị các bộ rà soát thêm, để có cơ sở giám sát. Ngoài chính phủ, cũng cần nêu trách nhiệm của các cơ quan quốc hội”, ông Tùng đề nghị.
Về kiến nghị tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh tại một số tỉnh Tây Nguyên, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị “cần giải quyết căn cơ, căn bản, không để kéo dài". Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đây là vấn đề tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, chính phủ cần xác định việc cụ thể, giải pháp đột phá cho Tây Nguyên. Trong đó, tập trung vào xác định nguồn gốc đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc, từ đó giúp họ ổn định và phát triển.
Theo dự kiến, Phiên họp thứ 27 sẽ diễn ra trong 4,5 ngày, từ ngày 11 đến ngày 17/10/2023 .
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023; cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”; cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ…