Những địa danh lịch sử gắn với Ngày Giải phóng Thủ đô
69 năm đã trôi qua, nhiều địa danh nổi tiếng gắn với sự kiện Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã có nhiều đổi khác. Song, những địa danh này vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, giúp gợi nhớ về những ký ức lịch sử hào hùng của Hà Nội thuở nào.
Cách đây 69 năm (10/10/1954), Thủ đô Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng, sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chung vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
Cùng với những con người lịch sử, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, phố Hàng Đào, Cột cờ Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò... là những địa danh lịch sử gắn liền với những mốc son trong sự kiện giải phóng Thủ đô Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công lý, vào sáng nay (10/10/2023) tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, trước không khí vui tươi, đường phố rực rỡ cờ hoa, người dân Hà Nội cũng thể hiện niềm mừng vui, phấn khởi trước sự đổi thay tích cực của Thủ đô.
Cô Nguyễn Thị Oanh, 75 tuổi, ở Thái Hà, Hà Nội không khỏi xúc động và tự hào, bày tỏ: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên may mắn được chứng kiến biết bao sự đổi thay của Thành phố. Những năm gầy đây, Hà Nội đã thực sự chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song vẫn giữ được vẹn nguyên những địa danh lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống hào hùng của Thủ đô.
Với người Hà Nội như chúng tôi cùng biết bao người dân đang sinh sống, làm việc tại thành phố, ngày 10/10 cũng là dịp để nhìn lại, để biết ơn các thế hệ đã hy sinh quên mình để giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, để tự hào về Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.
Còn cô giáo Nguyễn Phương Linh, Trường THCS Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội, cho biết: Nhà trường tổ chức cho các con đi tham quan một số địa danh, di tích tại Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10) với mong muốn giáo dục cho các con tinh thần yêu nước, biết trân trọng sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Từ đó thôi thúc trong các con ý chí rèn luyện, học tập để phấn đấu đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.