Quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú: Những bất cập cần tháo gỡ
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 10/06/2015
Tính đến đầu tháng 5/2015, đã có 10/63 tỉnh, thành phố quyết định thành lập cơ sở xã hội Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội, tiếp nhận, quản lý hơn 5.000 người vào cơ sở xã hội, trong đó 1855 người sau khi vào cơ sở đã xác định được nơi cư trú ổn định để đưa về địa phương để lập hồ sơ quản lý, giáo dục theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; 224 người không xác định được tình trạng nghiện cũng được trả về địa phương. Hơn 2000 người được Toà án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hiện đang quản lý tại cơ sở xã hội là 898 người.
Tuy nhiên, việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở xã hội cho đến nay vẫn còn tồn tại một số bất cập. Vướng mắc lớn hiện nay là không thể xác định được tình trạng nghiện theo các quy định, hướng dẫn trước đây, trong khi văn bản hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lại chưa có.
Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ: Nếu thực hiện việc xác định tình trạng nghiện theo như hướng dẫn của Bộ Y tế thì không thể xác định được tình trạng nghiện, do vậy không lập được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Khám sức khỏe cho học viên tại một trung tâm cai nghiện ma túy
Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ nguyên nhân của những khó khăn trên là do Quyết định số 5075/QĐ-BYT và Quyết định số 3556/QĐ-BYT đều đưa ra tiêu chuẩn xác định tình trạng nghiện của một người phải đủ cả hai điều kiện về lâm sàng và xét nghiệm. Tuy nhiên, về lâm sàng đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng. Để xác định được các triệu chứng quy định trên, người có thẩm quyền xác định nghiện phải đặt câu hỏi và người bị xác định nghiện phải trả lời đúng tình trạng của mình, song có 5/6 triệu chứng kể trên phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người bị xác định nghiện và chỉ có 1 triệu chứng “hội chứng cai” là phản ánh khách quan...
Hơn nữa, hầu hết người bị xác định nghiện đều không hợp tác, không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình. Do vậy, khó xác định được đủ các triệu chứng theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, người nghiện cũng cố tình khai không đúng sự thật nơi cư trú, khai ở nhiều nơi, ở ngoài tỉnh dẫn đến việc xác minh khó khăn mất nhiều thời gian công sức. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc xác minh nơi cư trú của người nghiện, đặc biệt là các trường hợp ngoài tỉnh chưa thống nhất.
Theo quy định, thẩm quyền quyết định đưa đối tượng vào cơ sở xã hội là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Thực tế, có địa phương vận dụng giao cho công an, cơ quan phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý quyết định. Như vậy, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian lập hồ sơ và quyết định đưa vào cơ sở xã hội.
Về đối tượng, theo quy định của pháp luật phải xác định được tình trạng nghiện và xác định được nơi cư trú, nếu người đó không có nơi cư trú ổn định mới đưa vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương đã vận dụng theo cách đưa tất cả người có hành vi sử dụng ma tuý trái phép vào cơ sở xã hội, sau đó phân loại, xác định nơi cư trú, tình trạng nghiện.
Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn xác định tình trạng nghiện theo hướng bị xử phạt nhiều lần về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc đã cai nghiện nhiều lần; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma tuý nhằm đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương phối hợp xác minh người nghiện không có nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy” theo hướng “áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”, không nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy như luật hiện hành.
Với đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH lí giải: Do sử dụng ma túy là hành vi có chủ định; sử dụng ma túy trái phép có hại cho bản thân người sử dụng, cho gia đình và xã hội; xử lý sớm hành vi sử dụng ma túy trái phép với các biện pháp thích hợp giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi họ bị lệ thuộc vào chất ma túy (nghiện ma túy) mang lại hiệu quả cao hơn so với biện pháp khi họ đã bị nghiện. Ngoài ra, theo Bộ LĐ-TB&XH, các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.