Hà Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn ngừa tình trạng người tự tử
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 99 vụ tự tử làm 100 người chết. Nạn nhân tự tử chủ yếu ở các huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo UBND tỉnh Hà Giang, địa bàn xảy ra các vụ tự tử chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân ở những nơi này còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hình thức tự tử chủ yếu bằng treo cổ, ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu, thậm chí dùng vũ khí tự tạo, các vật dụng dùng trong gia đình hàng ngày...
Nguyên nhân của việc tự tử là do thiếu kỹ năng sống, tiêu cực khi xử lý tình huống; người dân thường tìm đến cái chết khi vợ chồng giận nhau, quan hệ tình cảm bị cấm cản; mâu thuẫn gia đình, cộng đồng, khi bị cha mẹ la mắng, xấu hổ, bạo lực gia đình, bị vu oan; các thanh thiếu niên cũng thường tự tìm đến cái chết khi cha mẹ không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội hiện đại (như mua sắm điện thoại, xe máy… để trưng diện với bạn bè); kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần không có khả năng chi trả; mắc bệnh hiểm nghèo...
Những người tự kết thúc sự sống của mình thường có lối sống khép kín, ít tham gia các hoạt động xã hội; khi phát sinh mâu thuẫn, nếu không được giải quyết kịp thời hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường tìm đến cái chết.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thông báo, cảnh báo và phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tình trạng tự tử đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở mới có thể giảm thiểu thấp nhất nạn tự tử trên địa bàn tỉnh.