Đẩy mạnh phát triển thể lực, tầm vóc người Việt
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 04/06/2015
Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 (Đề án 641). Đề án 641 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đề án có đối tượng, phạm vi rộng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều Bộ, ngành, địa phương, cần huy động sự tham gia tích cực của cả cộng đồng và triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm từ Trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án 641 đạt kết quả thấp, còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được giải quyết kịp thời.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các nội dung đã được phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án, đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc triển khai thực hiện Đề án 641 một cách thiết thực, hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Để huy động sự tham gia, tài trợ của cộng đồng các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan khác có liên quan phối hợp, thống nhất với đơn vị, cá nhân tài trợ tổ chức triển khai các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho các đối tượng của Đề án 641; các chương trình, kế hoạch, chiến lược, quy hoạch liên quan đến chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện, có tính đến việc phối hợp, lồng ghép hợp lý với việc thực hiện Đề án 641.
Về phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan trong việc xác định thời lượng và nội dung giáo dục thể chất phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, khu vực, vùng, miền; định hướng tổ chức hoạt động thể thao trong nhà trường, nhất là trong việc tổ chức thi đấu thể thao, điển hình như Hội khỏe Phù Đổng các cấp, bảo đảm các hoạt động này thực sự là phong trào của đông đảo học sinh phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới chương trình, nội dung giáo dục thể chất gắn với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới hoạt động thể thao trong nhà trường.
Đối với phong trào thể dục, thể thao trong nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và có giải pháp để đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong nhân dân, phù hợp với các đối tượng khác nhau, điều kiện tập luyện cụ thể ở từng khu vực, vùng, miền; đề xuất đổi mới phương án tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao các cấp và toàn quốc theo hướng phân biệt rõ hoạt động thể dục, thể thao của quần chúng nhân dân với hoạt động thể thao thành tích cao, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.