Đề xuất 8 cao tốc vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia
Cả 8 dự án được kiến nghị bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) đều là các công trình đường bộ cao tốc do các địa phương đảm nhận vai trò chủ quản đầu tư.
Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng bổ sung 8 dự án cao tốc đường bộ vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Tám dự án này gồm: Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Chơn Thành, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu.
Chủ tịch UBND các địa phương có dự án đi qua gồm Đà Nẵng, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp cũng được đề nghị tham gia ban chỉ đạo.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dài 104,5 km, giúp mở ra mạch đường cao tốc kết nối từ Hà Giang về Hà Nội thông qua trục đường Tuyên Quang - Phú Thọ và Nội Bài - Lào Cai).
Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (dài 12km) là đoạn cao tốc nằm trên trục Bắc - Nam, thuộc dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trước đó, đoạn La Sơn - Hòa Liên đã thông xe vào 16/4/2022.
Các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương thuộc trục cao tốc kết nối TP.HCM với Lâm Đồng và thành phố du lịch Đà Lạt.
Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành dài 60,4km, điểm đầu xuất phát từ vành đai 3 TP.HCM, đi qua tỉnh Bình Dương kết nối đến Bình Phước.
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là dự án trục ngang kết nối Đồng Tháp với Tiền Giang tại vị trí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong khi đó, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh nằm trong địa phận Đồng Tháp, kết nối 2 đô thị của tỉnh.
Đến tháng 8, danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT gồm 12 dự án đường bộ cao tốc, hai đường vành đai (vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM), đường Hồ Chí Minh, hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; hai dự án hàng không là sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.