Lòng tham – Vùng đất sống của tội phạm lừa đảo
Có thể nói “sự tham” ở một khía cạnh nào đó cũng có tác dụng làm người ta phấn đấu để tiến lên. Nhưng khác nhau ở chỗ: Người kiểm soát được lòng tham, không để lòng tham đi quá giới hạn cho phép thì sẽ làm chủ được cuộc đời. Ngược lại, người để cho lòng tham chi phối, lấn át thì sẽ rất khó “cầm cương” được sinh mệnh mình.
Sướng trong ngắn ngủi, khổ dài lê thê
Hoàng Thị Bình (37 tuổi, trú thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là kế toán của một công ty kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 125 tỷ đồng của 151 bị hại ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trước khi trở thành “con nợ” hay “kẻ lừa đảo” và là bị cáo trong vụ án vừa được TAND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra xét xử mới đây, Hoàng Thị Bình đã có những tháng năm rực rỡ, thành đạt và là đơn vị kinh doanh uy tín nổi trội tại địa bàn huyện Nghi Xuân. Thế nhưng, tất cả những gì đã tạo dựng được cũng đã trở thành “bức bình phong” để Bình thực hiện dễ dàng hơn kế hoạch lừa đảo của mình cho những tháng ngày sau này.
Hoàng Thị Bình là con thứ năm trong gia đình có 6 anh chị em ở vùng quê Yên Thành (Nghệ An), Bình được ăn học đàng hoàng và là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong gia đình. Sau khi lấy chồng, rồi về sinh sống tại huyện Nghi Xuân, Bình chưa hề có tiền án hay tiền sự.
Có lẽ người thân và cả bản thân Bình cũng không bao giờ nghĩ đến một ngày sẽ thành kẻ lừa đảo, phải đứng trước bục khai báo để trả lời về hành vi phạm tội nghiêm trọng như vậy.
Năm 2016, Bình cùng chồng thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Giang Nam – HT (gọi tắt là Công ty Giang Nam) tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù Công ty do chồng làm Giám đốc và là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng quá trình hoạt động cũng như việc kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng đều do Bình trực tiếp quản lý, điều hành. Bình tự quyết định thực hiện việc nhập hàng từ các nhà phân phối và ký hợp đồng, giao dịch với khách hàng.
Công ty mở ra, việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, từ năm 2016 đến năm 2019, Công ty của vợ chồng Bình nổi lên và có uy tín ở cả trong và ngoài vùng. Cũng chính vì điều này nên khi hoạt động của Công ty rơi vào thua lỗ, Bình “huy động” nguồn tiền từ nhiều nơi rất dễ dàng.
Năm 2020, việc kinh doanh của Công ty không còn thuận lợi dẫn đến thua lỗ. Bình tự vay mượn tiền của nhiều cá nhân ngoài xã hội với lãi suất cao để phục vụ việc kinh doanh, nhưng lời lãi sau đó không bù được số tiền vay lãi cao, cũng như phương thức vận hành xoay vòng vốn. Đến cuối tháng 5/2021, Công ty của Bình thua lỗ gần 4 tỷ đồng. Nợ gốc và lãi lên đến khoảng 15 tỷ đồng dẫn đến việc Bình bị vỡ nợ, mất khả năng chi trả các khoản nợ trước đó.
Trước sự thúc dục của các chủ nợ về tiền lãi, tiền nợ và nguồn vật liệu phải bàn giao cho khách hàng đã ký kết theo hợp đồng… Hoàng Thị Bình đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa khách hàng đặt cọc tiền mua vật liệu xây dựng, góp vốn kinh doanh vật liệu xây dựng và vay, mượn tiền rồi chiếm đoạt.
Với hình thức thủ đoạn trên, từ cuối tháng 5/2021 đến đầu tháng 7/2022, Hoàng Thị Bình đã thực hiện hành vi lừa đảo của 151 bị hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An chiếm đoạt tổng số tiền gần 125 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của những bị hại, Hoàng Thị Bình sử dụng để xoay vòng trả nợ, trả lãi, dùng để mua vật liệu xây dựng trả cho khách hàng và chi tiêu cá nhân. Hiện tại, Hoàng Thị Bình không có khả năng trả lại tiền cho những người bị hại.
Chiêu “dụ” tiền đánh vào lòng tham
Chỉ hơn 1 năm, nhưng Bình đã chiếm đoạt được số tiền gần 125 tỷ đồng của 151 bị hại, có thể thấy việc huy động nguồn tiền của Bình đã gặp rất nhiều “thuận lợi”, Bình làm được vậy bởi đã đánh trúng tâm lý chung của con người – là lòng tham.
Đối với khách hàng mua vật liệu xây dựng, Hoàng Thị Bình đã đưa ra thông tin gian dối, lừa bán vật liệu xây dựng cho khách hàng bằng cách báo giá rẻ, hạ giá bán các loại vật liệu thấp hơn giá đại lý nhập vật liệu đầu vào cho Công ty của Bình. “Tâm lý” hơn, Bình còn đặt mua các sản phẩm ti vi, tủ lạnh, bình nóng lạnh... nói dối là quà khuyến mãi của đại lý cung cấp hoặc công ty tặng để thu hút khách hàng đến đặt cọc tiền trước để mua vật liệu với giá ưu đãi.
Khi khách liên hệ, Bình yêu cầu những người này đặt cọc lượng tiền lớn mới được hưởng giá ưu đãi và tặng quà. “Giá rẻ kèm quà to” đã đánh trúng tâm lý chung của người mua hàng, cộng với “thương hiệu” đã xây dựng được lâu nay đã đập tan mọi nghi ngờ của những vị khách hàng dẫu được xem là khó tính nhất.
Sau khi nhận được tiền từ khách, Bình chiếm đoạt để trả nợ, trả lãi, trả tiền hoa hồng, nhập vật liệu trả cho những khách đặt cọc trước đó. Với chiêu bài này, Hoàng Thị Bình đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 28,7 tỷ đồng từ 136 bị hại là khách hàng mua vật liệu xây.
Bên cạnh đó, Bình tiếp tục hành vi lừa đảo bằng hình thức góp vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Bình “tung” ra các thông tin rằng Công ty mình có nhiều hợp đồng cung cấp, mua bán các loại vật liệu xây dựng có lợi nhuận, chiết khấu hoa hồng cao với khách hàng và đại lý; thời gian hợp đồng từ 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 1 tháng... Bình đã kêu gọi nhiều người góp vốn kinh doanh để được hưởng chiết khấu cao và được tặng quà khuyến mãi. Để tạo lòng tin, Bình còn chụp ảnh các hợp đồng cung cấp vật liệu đã ký gửi cho bị hại. Bằng chiêu bài này, Bình đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng từ 7 bị hại.
Ngoài ra, Bình còn lừa đảo, chiếm đoạt hơn 57,8 tỷ của 8 bị hại khác bằng hình thức lừa vay tiền. Bình đã nói dối là để đầu tư, kinh doanh vật liệu xây dựng, vay tiền đặt cọc giữ giá vật liệu xây dựng... hứa hẹn sẽ trả lãi suất cao mục đích để chiếm đoạt.
Cùng với Hoàng Thị Bình, còn có 8 bị cáo khác bị đưa ra xét xử trong vụ án về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Những người này, bản thân họ có đầy đủ năng lực, hành vi, nhận thức được việc cho vay lãi nặng bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng do muốn thu lời bất chính, làm giàu nhanh chóng nên đã bất chấp để thực hiện. Có thể nói bản thân những người này đã góp phần đẩy bị cáo Bình phạm tội trầm trọng hơn.
Sau 2 ngày xét xử, tại phiên sơ thẩm cuối tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Hã Tĩnh đã tuyên phạt Hoàng Thị Bình mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bồi thường dân sự cho các bị hại hơn 105,1 tỷ đồng và sung công quỹ gần 28,8 tỷ đồng.
Đối với 8 bị cáo về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, HĐXX đã tuyên phạt lần lượt chịu mức án từ phạt tiền 50 triệu đồng tới mức cao nhất là 24 tháng tù giam cùng hình phạt bổ sung tương ứng với số tiền cho vay.
Cuộc sống đủ đầy là ước mong chính đáng của bất cứ ai, nhưng cách mà Hoàng Thị Bình thực hiện ước mong đã khiến bản thân phải trả giá bằng chính sự tự do của mình. Qua vụ án, chúng ta lên án cái sai và thương cảm cho những bị hại, nhưng qua đây người dân cũng phải hết sức cẩn thận, càng lợi nhuận cao càng phải cảnh giác, chớ nên tham mà bỏ qua những nguyên tắc an toàn vốn có.