Quảng Nam phát động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Ngày 4/10 tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ Phát động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối với nam đủ 20 tuổi, đối với nữ đủ 18 tuổi thì được phép kết hôn; Luật cũng quy định rất rõ những người trong cùng dòng họ không được phép kết hôn.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nam, nữ kết hôn trước tuổi quy định; kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ vẫn còn tồn tại ở một số nơi trong cả nước. Theo số liệu Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban dân tộc, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố; có xu hướng tăng, nhiều nhất ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, hôn nhân cận huyết thống là trái với quy định của pháp luật. Do đó, các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… Những đứa trẻ này gây tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống.
Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tập trung cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả; diện mạo và đời sống của bà con ngày càng khởi sắc; các giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao; mức thụ hưởng giáo dục, y tế, văn hóa tinh thần chưa được nhiều; các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng về hôn nhân và gia đình như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở nhiều vùng.
Tại lễ Phát động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh Quảng Nam năm 2023, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở các nước châu Á, châu Phi, tập trung nhiều nhất ở một số cộng đồng các nước Nam Á và Trung Đông, trong đó, có Việt Nam.
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng hơn 128.500 người. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp phối hợp hiện Đề án và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài các nguyên nhân chung như hạn chế về hiểu biết và nhận thức của người dân, các hủ tục lạc hậu thì còn có nguyên nhân kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đối với trẻ em, thiếu kỹ năng sống ở trẻ em, sự vào cuộc của địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt.
Để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam phát động công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023, nhằm vận động người dân phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc mình; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, có hại về hôn nhân và gia đình; tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức trong xã hội, về ý thức chấp hành pháp luật.
Các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ phụ nữ và trẻ em;
Nhóm đối tượng được quan tâm, hỗ trợ là phụ nữ và trẻ em gái vùng đặc biệt khó khăn; vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo; nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, người khuyết tật...