Ngư dân miền Trung đồng lòng gỡ thẻ vàng EC
Trong những năm qua, ngư dân các tỉnh miền Trung thực hiện đồng bộ những giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) hiệu quả tích cực, hướng đến gỡ “thẻ vàng” IUU, phục vụ việc kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam từ ngày 11-18/10/2023.
Tại Quảng Ngãi: Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.290 tàu cá với tổng công suất gần 1,8 triệu CV, trong đó trên 3.120 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia khai thác xa bờ.
Cơ cấu khai thác thủy sản chủ yếu gồm các nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu với lực lượng lao động khoảng 38.000 người. Sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng đầu năm 2023 gần 204.000 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh đang sử dụng đã được công bố mở cảng và được Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn công bố cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Theo Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 100% tàu cá đã đăng ký, tỷ lệ tàu cá thực hiện đánh dấu trên 97%. Tổng số tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản đạt tỷ lệ 83,38%. Tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tương đối cao với 99,1% tàu có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt. Hiện 26 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa thực hiện lắp đặt nhưng chủ yếu có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, các nhiệm vụ chống khai thác IUU mà tỉnh đã và đang triển khai được ngư dân và các chủ tàu đồng thuận, ủng hộ vì mang lại lợi ích cho gia đình các ngư dân cũng như cho đất nước. Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác chống khai thác IUU ở địa phương. Do vậy, gần ba năm qua, không có tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Song song đó, Quảng Ngãi thường xuyên tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân nắm và chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản; tăng cường thực thi pháp luật bảo đảm việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm khai thác IUU; nhất là các hành vi vi phạm về Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá.
Ngư dân Huỳnh Định (57 tuổi, trú xã Phổ An, TX. Đức Phổ, Quảng Ngãi) – chủ tàu cá QNg 98308-TS, chia sẻ: “Tàu cá tôi thường đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, nơi đó là ngư trường truyền thống của ngư dân quê tôi. Từ hàng chục năm qua, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc không hoạt động xâm phạm đến lãnh hải nước khác, cứ ao ta mà tắm cho lành. Chúng tôi hi vọng sớm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU để thủy sản ngư dân đánh bắt ở xa về bờ được giá, lúc đó mồ hôi và nước mắt chúng tôi mới được trân trọng”.
Tại tỉnh Bình Định; cập nhật đến ngày 28/9, tỉnh có 5.667 tàu cá dài từ 6m trở lên đã đăng ký, trong đó có 4.213 tàu cá thuộc diện đăng kiểm hằng năm. Hiện 87% số tàu được cấp giấy phép khai thác, 98,97% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh cùng các tổ công tác chống khai thác IUU đã tổ chức 25 chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển; trực tiếp kiểm tra 162 lượt tàu cá; đã xử phạt vi phạm hành chính 63 trường hợp với các vi phạm.
Bình Định hiện có 3 cảng cá (cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan) chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã xác nhận 148 hồ sơ với khối lượng hơn 3.352 tấn; chứng nhận 234 hồ sơ cho hơn 2.513 tấn cá các loại, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo đúng quy trình, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cho 2.966 tàu cá với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hỗ trợ 3.258/3.292 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu phương án xây dựng chính sách chuyển đổi nghề và xả bán tàu cá cũ đối với nhóm tàu cá có chiều dài dưới 15m, có nghề khai thác thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS. Tỉnh hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia”.
Đối với tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có 1.930 tàu cá, trong đó có 658 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi; tổng số lao động khai thác thủy sản khoảng 11.500 người; sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua các cảng cá chỉ định hơn 9.140 tấn, được giám sát đạt 100%; tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,6%.
Từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt; thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngư dân trong công tác khai thác thủy sản bất hợp pháp từng bước có kết quả.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho biết, địa phương đã và đang nỗ lực rất nhiều trong công tác chống đánh bắt thủy hải sản trái phép, gỡ thẻ vàng IUU và phát triển kinh tế biển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp với hiệu quả kiểm soát tốt nhất cho ngành thủy sản địa phương.
Ngư dân Đào Duy Nam – chủ tàu cá PY 91739-TS (ngụ TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) khẳng khái nói: “Những năm qua, ngư dân Phú Yên luôn tuân thủ vùng biển của mình, không bao giờ đánh bắt ở vùng biển nước khác. Nhờ đó, ngư dân thường xuyên được lộc biển với số lượng cá ngừ dồi dào và ngon nhất miền Trung. Đối với các tỉnh có ngư dân tuân thủ tốt chống khai thác IUU, rất mong chính quyền quan tâm tháo gỡ thẻ vàng, hi vọng cá ngừ Phú Yên được cung cấp khắp nơi trên thế giới”.
Qua kiểm tra 8 tháng đầu năm 2023 ở Khánh Hòa, có 665/669 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình VMS; kiểm tra kiểm soát trên 3.100 tàu cập cảng, sản lượng qua cảng hơn 46.000 tấn. Ngoài ra, lực lượng chống khai thác IUU trong tỉnh đã kiểm tra hành chính, xử phạt 66 trường hợp vi phạm IUU, xử phạt hành chính 825 triệu đồng và tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trường 24 trường hợp.
Theo ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa, đã yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương và của địa phương. Giao Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác IUU tại các đơn vị và trên biển.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá KH 00386 TS bị nước ngoài bắt giữ; giao Sở NN-PTNT tỉnh rà soát, phân loại, lập danh sách theo dõi, giám sát các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Chuẩn bị tốt công tác kiểm tra lần 4 của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2023.