Sự kiện Tập đoàn BKAV ra mắt điện thoại Bphone: Đã sai còn cố tình bao biện!

Đời sống - Ngày đăng : 10:30, 29/05/2015

Đó là ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia pháp lý sau khi Tập đoàn này bị dư luận cho rằng họ đã vi phạm Luật Cạnh tranh vì sử dụng điện thoại của các hãng sản xuất khác để so sánh với điện thoại Bphone trong buổi ra mắt, giới thiệu sản phẩm.

Sự kiện Tập đoàn BKAV ra mắt điện thoại Bphone: Đã sai còn cố tình bao biện!

Sự kiện này xảy ra ngày 26/5, khi Tập đoàn công nghệ BKAV tổ chức buổi ra mắt sản phẩm điện thoại do tập đoàn này sản xuất có tên Bphone. Sự kiện này đã thu hút được hàng nghìn người trực tiếp tới xem, đồng thời cũng thu hút được rất nhiều cơ quan truyền thông, báo chí và người dùng mạng xã hội quan tâm, theo dõi. 

Tại buổi ra mắt sản phẩm, đại diện của BKAV đã giới thiệu chi tiết cấu hình của điện thoại Bphone với nhiều cái “nhất thế giới”. Và để chứng minh cho những cái nhất đó, đại điện BKAV đã đưa lên màn chiếu tên và cấu hình của những chiếc điện thoại thông minh như iPhone do các hãng Apple sản xuất và Galaxy S6 do hãng SamSung sản xuất để so sánh với điện thoại Bphone của họ.

Trước việc làm này của BKAV, mặc dù đại diện của Apple và SamSung chưa có ý kiến phản hồi, nhưng truyền thông trong nước đã đăng tải nhiều ý kiến cho rằng, việc BKAV mang điện thoại của các hãng khác ra để so sánh với điện thoại Bphone như vậy là vi phạm những quy định của Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh hiện hành của Việt Nam.

Sự kiện Tập đoàn BKAV ra mắt điện thoại Bphone: Đã sai còn cố tình bao biện!

Bkav so sánh Bphone với các sản phẩm smartphone cao cấp của Apple và SamSung

Đáp lại những ý kiến này của dư luận, trả lời một tờ báo nước ngoài, đại diện Tập đoàn công nghệ BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng đã tự tin nói: Ở Việt Nam đang hiểu sai Luật Cạnh tranh, mà Luật Cạnh tranh họ nói là không được quảng cáo bằng cách so sánh các sản phẩm với nhau. Người ta đang đánh đồng tất cả vào chỗ đó. Đây là một buổi giới thiệu sản phẩm không phải là quảng cáo. Quảng cáo theo Luật Cạnh tranh nghĩa là những clip phát trên truyền hình hay truyền thanh… thí dụ như vậy, họ đang hiểu sai vần đề.

Để tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, PV Báo điện tử Công lý đã trao đổi với Luật sư Phạm Lê Tuấn - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội xung quanh vấn đề trên.

PV: Thưa Luật sư, khái niệm Quảng cáo theo quy định của pháp luật hiện hành được hiểu như thế nào?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo quy định: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.

PV: Trong sự kiện vừa qua khi bị dư luận trong nước cho rằng BKAV đã vi phạm Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh, ông Nguyễn Tử Quảng đại diện của BKAV đã phát biểu như chúng tôi dẫn ra ở trên. Vậy theo luật sư, cách hiểu như của ông Quảng có đúng với những gì mà pháp luật đã quy định không?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Hiểu quảng cáo chỉ gồm những clip phát trên truyền hình, truyền thanh... như ông Quảng phát biểu là chưa đầy đủ, sai tinh thần pháp luật về quảng cáo đã quy định.

Bởi, theo quy định tại Điều 17 Luật Quảng cáo, phương tiện quảng cáo gồm: “Báo chí; Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác; Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác; Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo; Phương tiện giao thông; Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao; Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo; Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, truyền hình và truyền thanh chỉ là hai trong rất nhiều phương tiện quảng cáo mà pháp luật đã quy định. Việc trình chiếu, phát clip trên các phương tiện này chỉ là một hình thức quảng cáo thông dụng, dễ dàng nhận diện hơn so với việc sử dụng các phương tiện quảng cáo khác mà thôi.

PV: Cụ thể hơn, theo Luật sư, một buổi giới thiệu sản phẩm do doanh nghiệp tổ chức có được xem là một buổi quảng cáo không?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Như tôi đã trả lời ở trên, “hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao” đều được coi là những phương tiện quảng cáo. Và một buổi giới thiệu sản phẩm tới cộng đồng do doanh nghiệp tổ chức là một sự kiện, sự kiện này chính là một trong những phương tiện để doanh nghiệp quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất hoặc phân phối.

PV: Nếu một buổi giới thiệu sản phẩm được coi là phương tiện quảng cáo thì sản phẩm được đem ra giới thiệu có được coi là sản phẩm quảng cáo. Vậy việc quảng cáo sản phẩm phải tuân thủ những quy định pháp luật nào thưa Luật sư?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dưới bất kỳ một hình thức nào trước hết phải tuân thủ những quy định của Luật Quảng cáo và những văn bản hướng dẫn được các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Kế tiếp là các luật có liên quan như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và những Luật chuyên ngành liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

PV: Những văn bản pháp luật mà Luật sư vừa nêu, cụ thể là Luật Cạnh tranh và Luật Quảng cáo quy định như thế nào về việc so sánh các sản phẩm cùng loại với nhau?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Sẽ không có gì là sai nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang ra để so sánh là những sản phẩm cùng loại, do cùng một doanh nghiệp, sản xuất và phân phối trên thị trường hoặc những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang ra so sánh là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ngoài những trường hợp nói trên, nếu mang sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác ra để so sánh với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì việc làm này đã phạm vào điều cấm mà Luật quảng cáo và Luật cạnh tranh đã quy định.

Cụ thể: Khoản 10, Điều 8 Luật Quảng cáo quy định cấm “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”. Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh quy định cấm “So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác”.

PV: Đối với cá nhân, tổ chức vi  phạm những điều cấm của những điều luật mà ông vừa nói sẽ áp dụng chế tài nào, thưa Luật sư?

Luật sư Phạm Lê Tuấn: Các biện pháp xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm những điều cấm của Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh và những luật khác có liên quan rất đa dạng, có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền, thậm chí buộc bồi thường thiệt hại (nếu gây thiệt hại). Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…

PV: Xin cảm ơn ông!

Cùng chung nhận định với Luật sư Phạm Lê Tuấn, khi được hỏi về buổi ra mắt, giới thiệu điện thoại Bphone cùng những nhận định nói trên của đại diện Tập đoàn công nghệ BKAV, Luật sư Lê Ngọc Lương, Công ty Luật Đại Phúc nói: Cá nhân tôi không đồng ý với cách mà đại diện Tập đoàn BKAV đã phản bác lại những ý kiến đóng góp của dư luận về buổi ra mắt sản phẩm điện thoại Bphone. Có thể ông Quảng cảm thấy không hài lòng khi phải nhận những ý kiến đóng góp chỉ ra những thiếu sót, dấu hiệu vi phạm pháp luật mà công ty của ông đã mắc phải khi tổ chức sự kiện giới thiệu điện thoại Bphone. Nhưng những nhận định của ông Quảng liên quan đến cách hiểu Luật Cạnh tranh ở Việt Nam như ông Quảng đã nói là thiếu cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở pháp lý. 

 

Huyền Trang