Liên hợp quốc phê chuẩn lực lượng đa quốc gia ở Haiti
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Caribe này đang phải vật lộn với các băng nhóm tội phạm chiếm phần lớn thủ đô. Phái bộ trước đây của Liên hợp quốc (UN) đã chấm dứt sự hiện diện kéo dài nhiều năm sau vụ bê bối lạm dụng tình dục và dịch tả bùng phát.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn việc triển khai một lực lượng đa quốc gia tới Haiti, nơi chính quyền đã phải vật lộn gần một năm để kiểm soát các băng nhóm tội phạm
Lực lượng này được gọi là phái đoàn Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia "để thực hiện mọi biện pháp cần thiết" ổn định an ninh cho thủ đô Haiti.
Việc triển khai quân đã nhận được 13 phiếu tán thành. Các thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng.
Hội đồng cũng thông qua việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc, bao gồm đối với tất cả các băng đảng, thay vì chỉ một số cá nhân, sau sự thúc giục của Bắc Kinh.
Lực lượng đặc nhiệm dự kiến sẽ do Kenya dẫn đầu, nước đã cam kết gửi 1.000 quân vào mùa hè năm ngoái. Các quốc gia Caribe láng giềng Jamaica, Bahamas và Antigua và Barbuda cũng bày tỏ sẵn sàng đóng góp lực lượng.
Trong khi đó, Mỹ hứa cung cấp hậu cần và hỗ trợ 100 triệu USD (khoảng 95,43 triệu euro).
Ngoại trưởng Haiti mô tả cuộc bỏ phiếu là một "tia hy vọng" và "biểu hiện tình đoàn kết với những người gặp nạn".
Ngoại trưởng Jean Victor Geneus nói với Hội đồng Bảo an: “Đó là một tia hy vọng cho những người đã phải gánh chịu hậu quả của tình hình khó khăn về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh và nhân đạo quá lâu”.
Quyết định triển khai lực lượng đa quốc gia được đưa ra gần một năm sau khi Thủ tướng Haiti Ariel Henry yêu cầu triển khai ngay lực lượng vũ trang nước ngoài để giúp kiểm soát các băng đảng.
Thủ tướng Henry, người lãnh đạo một chính quyền không được bầu cử cũng viện dẫn bạo lực và bất ổn là lý do khiến cuộc bầu cử bị trì hoãn. Đất nước này đã không có đại biểu dân cử nào kể từ tháng Giêng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảnh giác với sự can thiệp của quốc tế. Phái bộ trước đó của Liên hợp quốc bắt đầu vào năm 2004 đã bị hủy hoại bởi vụ bê bối lạm dụng tình dục và dịch tả bùng phát khiến hơn 9.000 người thiệt mạng. Nó đã kết thúc vào năm 2017.
Việc dịch bệnh tả xâm nhập vào nước này được cho là do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã đổ nước thải bị nhiễm bệnh xuống sông.
Trong khi đó, cảnh sát Kenya, lực lượng dự kiến sẽ đảm nhận phần lớn nhiệm vụ mới, từ lâu đã bị cáo buộc tra tấn, dùng vũ lực gây chết người và các hành vi lạm dụng khác.
Nghị quyết yêu cầu các quốc gia đóng góp vào sứ mệnh “áp dụng quản lý nước thải phù hợp và các biện pháp kiểm soát môi trường khác để bảo vệ chống lại sự xâm nhập và lây lan của các bệnh lây truyền qua đường nước”.