Ngành bán dẫn được hưởng ưu đãi cao nhất trong đầu tư FDI
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và những nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này sẽ được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật.
Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn. Việt Nam cũng có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật.
Đồng thời, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Theo nhiều tổ chức thế giới, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
Từ 10 năm trước, Intel bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam với quy mô 1 tỉ USD và sau tăng lên 1,5 tỉ USD. Rồi sau khi nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là Samsung, xác nhận sẽ sản xuất các linh kiện bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để phát triển, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn.
Một dự án khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được triển khai đáng quan tâm là dự án 1,6 tỉ USD của Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc) cũng đang triển khai đúng tiến độ tại Bắc Ninh.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Trong đó xác định rõ vi mạch điện tử là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên đến nay, công nghiệp bán dẫn tại VN vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, dư địa phát triển còn rất lớn, cần những quyết sách táo bạo và "nóng" hơn nữa.
Quan trọng hơn lúc này là phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi. Việt Nam và nhiều nước đang phát triển lâu nay cứ chọn ưu đãi về thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu…) để thu hút vốn. Nay với quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà Việt Nam dự kiến tháng 10 sẽ trình Quốc hội để chính thức từ đầu năm 2024 thì thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung ưu đãi về chi phí, tiêu hao trong đầu tư cho doanh nghiệp bằng tài chính.