Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Chính trị - Ngày đăng : 18:55, 27/04/2016
Đây là một trong trong hai hội nghị lớn của Chính phủ sau khi kiện toàn, được người dân và xã hội hết sức quan tâm và chờ đợi. Cũng bởi tính chất đặc thù của nội dung được thảo luận, ngoài sự có mặt của lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, hội nghị còn có sự tham dự của cả Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Làm rõ trách nhiệm
Ngay trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề được bàn bạc tại hội nghị này cũng là vấn đề được toàn xã hội và người dân hết sức quan tâm mà trong đó, có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng người dân sử dụng thực phẩm bẩn mà không có ai chịu trách nhiệm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phát huy và tăng cường vai trò giám sát của mọi cấp ngành, nhất là các cơ quan dân cử để tạo chuyển biến cụ thể trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong số rất nhiều những loại mặt hàng thực phẩm có trên thị trường, Chính phủ ưu tiên lựa chọn loại mặt hàng thực phẩm tươi sống để tập trung bàn thảo, thống nhất các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
“Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà trước hết là hệ thống chính quyền các cấp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thực phẩm bẩn vẫn tồn tại
Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nổi lên là khâu tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện.
Nguồn lực ở một số địa phương cho công tác này còn hạn chế. Một vấn đề nữa cũng được nhìn nhận trong hạn chế về nhiệm vụ này là chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát, đấu tranh với các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại cơ sở.
Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị cũng xác nhận tình trạng còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh...
Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng sabutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Phân công trách nhiệm đến Chủ tịch UBND phường, xã
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng người dân sử dụng chất cấm trong nuôi, trồng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các cấp từ quận, huyện đến phường, xã trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Chung kiến nghị niêm yết rõ nguồn gốc thực phẩm, tên chủ sản xuất, tên nhà cung cấp từ khâu nuôi trồng, vận chuyển và bán lẻ để giúp người dân dễ dàng giám sát. Ngoài ra, đặt lộ trình để buộc chủ sản xuất, người vận chuyển phải có đầy đủ phương tiện bảo quản, vận chuyển đảm bảo vệ sinh, an toàn; đặt lộ trình để buộc những người hành nghề mua bán thực phẩm, giết mổ gia súc phải có chứng chỉ cho người chủ kinh doanh, giết mổ thực phẩm. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị tăng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phân tích tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng có các nguyên nhân như: Chưa xác định được trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ việc hệ thống hóa các cơ sở sản xuất, nuôi trồng và hệ thống phân phối bán lẻ thưc phẩm có quy mô và hệ thống.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng làm cũng chưa tốt, chưa nghiêm và trên thực tế còn có hành vi thông đồng do lợi nhuận quá lớn. “Chẳng lẽ có lò mổ ở địa phương mà phường, xã, quận, huyện không biết, không ai bị xử lý cả?”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt câu hỏi.
Ông Đinh La Thăng kiến nghị, để thực sự đưa Chỉ thị về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả trên thực tế, cần có sự tham gia và thực hiện của toàn dân. Kiến nghị xác định, xử lý trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến tình trạng lộn xộn quản lý an toàn thực phẩm, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đề xuất Thủ tướng đồng ý cho các tỉnh thành tổ chức bộ máy chuyên trách (nhưng không được tăng biên chế) để thống nhất quản lý ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương giống như Ban Chỉ đạo 389.
“Để xảy ra ở địa bàn nào thì trực tiếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm, không thể đổ cho cấp dưới; Bộ, ngành cho phép nhập khẩu chất cấm cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Đinh La Thăng khẳng định. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho phép để lại tiền xử phạt để các địa phương đầu tư cho công tác này.
Hết sức quan tâm đến nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị cần thống nhất quán triệt, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật và kiện toàn, tăng cường năng lực bộ máy trực tiếp làm công tác này.
Trước tình trạng buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ tràn lan, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tiến tới mô hình kết nối hợp tác giữa người sản xuất, nông dân và doanh nghiệp để thuận tiện cho việc giám sát và cả khâu tiêu thụ hàng hóa.
Xác nhận tình trạng thịt nhiễm vi sinh xảy ra phổ biến trên cả nước ở mức bình quân khoảng 15-16%, có lúc lên đến 30-40%, chủ yếu là do khâu giết mổ và bán lẻ, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị cần sớm khắc phục tình trạng này một cách đồng bộ qua nhiều khâu từ sản xuất, vận chuyển, đến tiêu thụ thực phẩm, buôn bán hàng hóa.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Lo lắng trước việc vẫn tồn tại hành vi buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm qua biên giới, Bộ trưởng Cao Đức Phát tha thiết: “Phải cố gắng cắt đứt được chuyện này, đây là vấn đề rất là quan trọng; phải cơ bản kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”.
Cho rằng, các chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật hiện cũng đã là khá nặng vì ngoài hình phạt chính xử phạt bằng tiền còn có hình thức rút giấy phép kinh doanh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Vấn đề là có làm nghiêm hay không. Ngành Nông nghiệp đang soạn thảo một nghị định sửa đổi nhiều nghị định và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua để tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Chỉ rõ thời gian qua, việc xử phạt chỉ được thực hiện quyết liệt ở các cơ quan Trung ương nhưng xuống đến địa phương thì lỏng lẻo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị phải làm nghiêm túc hơn vấn đề này. Nếu trước đây chỉ xử lý cơ sở sai phạm mà chưa xử lý trách nhiệm của cơ quản quản lý Nhà nước làm sai thì sắp tới sẽ làm nghiêm, quyết liệt hơn, có thể áp dụng Luật hình sự nếu đủ điều kiện.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn dân
Kết luận Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vệ sinh an toàn thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, nòi giống và cũng là vị thế, uy tín quốc gia. Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, các cơ quan liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ này, bởi vậy rất cần có những biện pháp mạnh, kiên quyết hơn, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Vấn đề gì liên quan đến quyền lợi nhân dân thì nhân dân quyết định, Đảng lãnh đạo và cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện thì mới thành công. Do đó, phải làm cho nhân dân hiểu làm rõ vấn đề, ý thức hơn trong các khâu từ tố giác đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phát huy vai trò đoàn thể, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành cần tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, đổi mới tư duy quản lý, trước hết là người đứng đầu. Nếu xảy ra vi phạm trên địa bàn thì Chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm; bên cạnh đó là các lực lượng Quản lý thị trường, Công an cũng có trách nhiệm.
“Phải quy trách nhiệm cho người cuối cùng của cấp chính quyền, không thể chung chung khi để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta nói chính quyền của nhân dân, vì nhân dân mà không chịu trách nhiệm thì ai chịu trách nhiệm?”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đảm bảo kinh phí để chính quyền địa phương tổ chức thực hiện qua các khâu: tiêu hủy, kiểm tra, trang thiết bị, bồi dưỡng và tuyên truyền, động viên nhân dân và toàn xã hội chung tay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, về trang thiết bị, Thủ tướng chỉ đạo dùng ngân sách kết hợp với xã hội hóa, trong đó ngân sách Trung ương ứng 90%.
Thủ tướng cho rằng, trong thời gian này, việc để lại 100% kinh phí xử phạt cho địa phương để tái đầu tư cho nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết. Trong hoạt động xử lý vi phạm, Thủ tướng yêu cầu phải xử phạt nghiêm cả người sản xuất thực phẩm kém chất lượng lẫn người tổ chức sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn chứ không chỉ có tổ chức và cá nhân quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm. Các lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan và nhất là Công an phải tích cực vào cuộc, xử lý kiên quyết các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.
Lưu ý đến công tác vận động, tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị chú trọng vận động và đề nghị các tổ chức sản xuất từ hộ gia đình, công ty, xí nghiệp thay đổi tư duy, đăng ký công khai quy trình sản xuất, buôn bán trong cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành tập trung ưu tiên đảm bảo vệ sinh an toàn đối với thực phẩm tươi sống, thịt cá, rau, nước giải khát ngay từ khâu sản xuất đến thu mua bởi đây là nhóm mặt hàng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Khi phát hiện sai phạm, phải xử lý kiên quyết, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bất cập như thời gian vừa qua.