Sửa luật để đảm bảo quyền tham gia của trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 21:26, 26/05/2015
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015 “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013; vận động cho việc xây dựng luật pháp, chính sách bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Cụ thể là quy định chi tiết việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2015-2020 và phát động toàn xã hội tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em...
Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em ngày 20/11/1989 với 54 điều quy định về quyền trẻ em. Các quyền này được chia thành 4 nhóm cơ bản: Quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia. Nội dung của công ước đã được thể chế hoá tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan ở nước ta. Luật Bảo vệ, chăm sóc và gíao dục trẻ em (BVCS&GDTE ) ngày 12/8/1991 là văn bản pháp lý quan trọng nhằm đưa các quyền của trẻ em vào cuộc sống, trong đó có nhóm quyền tham gia. Cùng với các văn bản pháp lý khác, quy định trẻ em được bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan đã thực sự đưa các em lên vị trí người chủ tương lai của đất nước, tạo cơ sở pháp lý để quyền tham gia của các em được thực hiện.
Trẻ em cần được tạo môi trường thuận lợi hơn để thực hiện quyền tham gia của mình
Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, tại Điều 12, Điều 13 quy định các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em hình thành quan điểm riêng và tự do phát biểu về những quan điểm đó và phải coi trọng những quan điểm này đặc biệt là trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào mà đứa trẻ em đó tham gia (trực tiếp hoặc thông qua giám hộ); trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến dưới nhiều hình thức khác nhau.
Quyền tham gia của trẻ em là một trong những nhóm quyền rất quan trọng được quy định tại Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm và nhóm quyền này đã được thể chế hoá bằng Luật BVCS&GDTE, các văn bản pháp luật liên quan tạo cơ sở pháp lý và cơ chế thực hiện. Tuy nhiên quy định này tại Luật BVCS&GDTE chưa tương xứng với vai trò và vị trí của nhóm quyền. Cụ thể là tại Điều 8 Luật BVCS&GDTE quy định: Trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình vè những vấn đề có liên quan, tuy nhiên chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân phải đảm bảo cho đứa trẻ thực hiện quyền tham gia của mình theo quy định tại Điều 12 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
Tham gia có nghĩa là “dự vào, góp phần vào hoạt động nào đó”. Có thể khẳng định quyền tham gia của trẻ em có phạm vi tương đối rộng. Khi thực hiện quyền tham gia của mình, các em thực hiện dưới 2 hình thức: Tự thực hiện và thực hiện theo quy định của pháp luật (Ví dụ trẻ em vi phạm pháp luật).
Bằng nhiều cách thức, khi thực hiện quyền tham gia, ý kiến nguyện vọng của trẻ em đã được chú trọng, làm cơ sở xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan và đã mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Tuy nhiên, khi tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của các em , còn hiện tượng giải quyết và phản hồi chưa tuân theo quy định như việc giải quyết, chưa đúng thời hạn theo quy định.
Trên thực tế thời gian qua còn có những cách hiểu khác nhau về quyền tham gia của trẻ em. Còn những quan điểm cho rằng những ý kiến, nguyện vọng của các em là “chuyện trẻ con” hoặc mới chỉ hiểu trẻ em tham gia những ý kiến, nguyện vọng để tham khảo mà chưa hiểu theo nghĩa trẻ em là một chủ thể của quyền tham gia. Còn khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tế triển khai thực hiện, biểu hiện là còn có sự vi phạm quyền tham gia của trẻ em như không hỏi ý kiến các em, người lớn tự quyết, chưa tôn trọng ý kiến trẻ em.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến đề nghị về thực hiện quyền tham gia của trẻ em và sửa đổi Luật BVCS&GDTE. Theo đó, trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa tới việc nghiên cứu về lý luận cũng như những đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện quyền tham gia của trẻ thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, thu thập thông tin số liệu để làm sáng tỏ cơ sở pháp lý và thực tiễn thực hiện và kiến nghị những giải pháp để đảm bảo quyền tham gia của trẻ em.
Với tầm quan trọng của nhóm quyền tham gia của trẻ em, cần quy định riêng 1 điều về quyền tham gia của trẻ em tại Luật BVCS&GDTE sửa đổi với 2 nội dung: quy định trẻ em được bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình.
Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền sâu rộng quyền tham gia của trẻ em không chỉ dừng lại ở Công ước và Luật BVCS&GDTE mà mở rộng ra theo các nhóm quan hệ pháp luật quy định quyền tham gia của trẻ em. Tạo cơ chế, môi trường thuận lợi hơn nữa để trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình kết hợp các hoạt động ngay tại cộng đồng dân cư nơi các em sinh sống, học tập với các hoạt động lớn mang tính quốc gia và hội nhập quốc tế.