TP.HCM điều trị trầm cảm không dùng thuốc dựa vào cộng đồng
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TP.HCM sẽ triển khai thí điểm quản lý và điều trị rối loạn trầm cảm ngay tại các trạm y tế.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, 420 người từ 60 tuổi trở lên có dấu hiệu trầm cảm và 295 người có dấu hiệu rối loạn lo âu trong đợt khám sức khỏe trong tháng 8. Trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm hơn 3% và rối loạn lo âu chiếm 2,14% trong số những người cao tuổi được thăm khám.
Hiện nay, trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khỏe tâm thần phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh cũng như các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, có thể chuyển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Trong chương trình hỗ trợ ngành y tế TP.HCM, Văn phòng của WHO tại Việt Nam đã giới thiệu mô hình quản lý và điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng, tích hợp vào chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho tuyến y tế cơ sở để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến.
5 trạm y tế tham gia thí điểm năm nay gồm An Thới Đông (Cần Giờ), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Hưng Thuận (quận 12), Phú Trung (Tân Phú) và Trạm Y tế Phường 15 (Tân Bình). Sau đó, Sở sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai nhân rộng toàn thành phố những năm tiếp theo.
Theo đó, nhân viên trạm y tế và cộng tác viên được nâng cao năng lực để có thể sàng lọc phát hiện rối loạn trầm cảm ở người trưởng thành, thông qua thang đo triệu chứng. Cán bộ y tế chuyên khoa tâm thần tại tuyến quận huyện sẽ đánh giá lại lâm sàng để xác định mức độ bệnh. Các trường hợp từ nhẹ đến vừa, không có nguy cơ mắc các rối loạn nặng sẽ được mời tham gia điều trị tại trạm y tế với các buổi trị liệu tâm lý để vượt qua trầm cảm, trở về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và dự phòng tái phát.
Những người có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần nặng như rối loạn lưỡng cực, nguy cơ tự sát, loạn thần, nghiện chất... sẽ được chuyển lên tuyến chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Chứng rối loạn trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khỏe tâm thần sức khỏe tâm thần phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng không chỉ đối với sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội.
WHO ước tính có khoảng 3,8% dân số bị rối loạn trầm cảm (khoảng 280 triệu người). Đặc biệt, WHO ghi nhận tỷ lệ trầm cảm tăng lên sau đại dịch Covid-19.