Tham gia Hiệp định CPTPP: Làm tốt thương hiệu, tạo đột phá về xuất khẩu
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã tạo đột phá khi Việt Nam việc tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song một số chuyên gia cho rằng, tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới và tiềm năng.
Các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều là những thị trường lớn có nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có tham gia Hiệp định Thương mại tự do FTA, như Canada, Mexico…
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể số lượng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu vào các nước tham gia Hiệp định CPTPP bằng thương hiệu riêng, nhưng nhìn chung số lượng còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tham gia Hiệp định CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.
Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP trong xuất khẩu hàng Việt Nam qua 5 năm tăng đều, nhưng khoảng 4 tỷ USD, tức là khoảng 60% các sản phẩm của Việt Nam đáng lý được hưởng thuế bằng 0, nhưng các DN vẫn chưa tận dụng được. Bởi hiện nay các DN xuất khẩu chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, với hình thức chủ yếu vẫn là gia công, hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên thô, dạng nguyên liệu.
Để tận dụng được hoạt động xúc tiến thương mại từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu cho hiệu quả, các DN nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích. Trong đó hết sức lưu ý những vấn đề đang được các trường rất quan tâm, như chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
DN chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới. Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các DN cũng cần quan tâm đến kế hoạch truyền thông định kỳ; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của DN ở thị trường nước ngoài.
Gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam sang thị trường tham gia Hiệp định CPTPP, không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại mà còn có vai trò quan trọng của các DN, hiệp hội ngành hàng. Để tạo lập giá trị bền vững, các DN cần tạo sự khác biệt và xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu. Qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tham gia Hiệp định CPTPP, cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới.