Xuất khẩu viên nén gỗ dự kiến sẽ đạt gần 800 triệu USD
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén gỗ nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 800 triệu USD trong năm 2023.
Viên nén là một loại chất đốt năng lượng sạch, dùng thay thế cho than, xăng, dầu... và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới để giảm phát thải. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch đạt gần 800 triệu USD trong năm 2022 và dự kiến mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2023. So với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đã tăng gấp 28 lần và gấp 34 lần trong hơn một thập kỷ qua.
Giá xuất khẩu viên nén gỗ hiện tại có giá từ 120 - 145 USD/tấn và có thời điểm đã đạt 180 - 200 USD/tấn. Điều này đã mang lại giá trị gia tăng rất cao cho chuỗi phát triển lâm nghiệp của Việt Nam.
Theo thống kê của Chi hội viên nén Việt Nam, hiện tại có 400 nhà máy sản xuất viên nén, công suất trung bình khoảng 5 triệu m3/năm, giá trị 800 triệu USD. Công suất toàn ngành có thể nâng lên 10 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.
Các thị trường chính của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm hơn 90% tổng lượng xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu viên nén gỗ sang một số nước châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp.
Với tiềm năng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để xuất khẩu viên nén gỗ sang các quốc gia tiềm năng thông qua các sàn TMĐT lớn. Cùng sự phát triển không ngừng của các nền tảng mua sắm trực tuyến, việc xuất khẩu viên nén đã không còn là nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp.
Nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén gỗ là củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ... là những “phế phẩm” dễ kiếm, không kén chọn, các cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.