Tâm điểm dư luận

Khơi thông nguồn lực của kinh tế tư nhân

Trung Nguyễn 28/09/2023 08:07

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 có chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia là chuyên đề với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP. Trong kinh tế tư nhân có 2 bộ phận là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và khu vực kinh tế theo dạng hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện kinh tế tư nhân gặp một số khó khăn từ bên ngoài và nội tại.

Khó khăn từ bên ngoài là mức độ, năng lực hội nhập khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Đầu tư của kinh tế tư nhân ra nước ngoài còn thấp. Gần như công nghiệp chế biến, chế tạo là do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước còn chưa chế tạo được nhiều nên không tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về mặt chính sách, tuy chúng ta có nhiều cải cách nhưng hiện nay, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực, huy động nguồn vốn cho nên họ khó thể phát triển được để dẫn dắt được chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn cảm thấy lo ngại, chưa yên tâm trong sản xuất kinh doanh hoặc họ sợ làm sai khi những quy định trong các luật, nghị quyết, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhau...

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, sự phát triển kinh tế phải dựa vào nội lực doanh nghiệp tư nhân, con người của mỗi quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, chi phí để có được lợi nhuận cho sự tồn tại.

Trong số những doanh nghiệp không thể tồn tại được đã rút khỏi thị trường thì cũng có những doanh nghiệp được mua lại hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác. Với những trường hợp như này, chính sách của Nhà nước phải ứng xử với doanh nghiệp như thế nào là vấn đề cần quan tâm.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, cần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm lãi suất, phí, thuế để cùng với doanh nghiệp cắt giảm chi phí để tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển.

Ngoài ra, cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.

Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế thì các cơ quan Nhà nước, Bộ ngành cần xem lại thể chế, chính sách để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (năm 2030). Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030).

Để đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Tiếp tục thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cần xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Trung Nguyễn