Vai trò của địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã góp phần mang lại những kết quả quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn; công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân luôn kịp thời, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động….
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam còn là sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng và đã thể hiện rõ nét trong nhiều văn kiện như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH…
Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ) và Nhân dân, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt là các giải pháp phát triển BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, chú trọng ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; tham mưu, đề xuất đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT, BHTN vào Nghị quyết, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngoài mức quy định của Nhà nước; chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra;…
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, cùng với sự tham mưu tích cực của cơ quan BHXH, những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương.
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.