Công bố chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt
Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế vừa công bố chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSMN).
Chương trình nhằm vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng ĐBDTTSMN; từ đó phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền góp phần chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng ĐBDTTSMN.
Dự kiến, trung tuần tháng 12/2023 Lễ Vinh danh sẽ được diễn ra. Hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình đáp ứng các tiêu chí có thể gửi hồ sơ đến BTC thông qua website: http://www.duoclieuviet.net.
Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tại các vùng trồng dược liệu, đặc biệt là vùng ĐBDTTSMN nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người Việt.
Theo ông Trần Tuấn Linh – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống, Chương trình nhằm phát huy giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuỗi vùng trồng-sản xuất, phát triển các loại thuốc chữa bệnh từ dược liệu và các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ các bài thuốc quý, tạo thêm nhiều giá trị cho cây thuốc Việt; đồng thời góp phần xây dựng thói quen "người Việt dùng thuốc Việt" từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của Việt Nam".
Đồng thời, Chương trình truyền thông vinh danh các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp có vùng trồng dược liệu và tạo được chuỗi liên kết vùng trồng – sản phẩm tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng ĐBDTTSMN. Chương trình không chỉ góp phần phát huy tinh hoa giá trị y dược cổ truyền mà còn đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng ĐBDTTSMN.
PGS.TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thay mặt Hội đồng xét duyệt hồ sơ khẳng định, Lễ vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTSMN" là hoạt động có ý nghĩa lớn nhằm động viên khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, hợp tác xã và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng nhằm thực hiện các chính sách và chương trình của Chính phủ vừa mới ban hành, chung tay phát huy giá trị của dược liệu Việt, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng, miền của đất nước.
"Tôi tin tưởng rằng Chương trình sẽ thu hút được nhiều cá nhân, đơn vị đăng ký tham gia và đạt được các tiêu chí xét duyệt để được vinh danh trong một sự kiện đầy ý nghĩa xã hội và nhân văn, lan tỏa các hoạt động kế thừa và phát huy những giá trị đặc sắc của tài nguyên dược liệu và vốn quý của nền y học cổ truyền dân tộc", PGS.TS. Lê Văn Truyền phát biểu.
Cũng trong buổi lễ, Ban Tổ chức cho biết, về tiêu chí bình chọn đối tượng vinh danh là: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu.
Đối với doanh nghiệp: Có thời gian hoạt động trên hai năm, có vùng trồng dược liệu quý tại địa phương vùng ĐBDTTSMN; Loại dược liệu: trong danh sách những loại cây dược liệu quý đang được định hướng phát triển, các dược liệu có giá trị về kinh tế. Liên kết chuỗi: hỗ trợ các hợp tác xã /hộ cá thể về cây giống, kỹ thuật và thu mua sau khi thu hoạch; sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm thuốc/TPBVSK có nguồn gốc dược liệu; Có vùng trồng đạt chứng nhận: GACP, GACP-WHO,…
Đối với Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã: Có thời gian hoạt động trên hai năm; số lượng thành viên trên 20 cá nhân/hộ gia đình; Loại cây trồng trong danh sách những loại cây dược liệu quý đang được định hướng phát triển, các dược liệu có giá trị về kinh tế; Có vùng trồng dược liệu tại địa phương vùng ĐBDTTSMN; Liên kết chuỗi: liên kết sản xuất, hỗ trợ bà con xã viên về cây giống, kỹ thuật và thu mua sau khi thu hoạch; kết nối doanh nghiệp sản xuất; Chứng nhận: OCOP, GACP, GACP-WHO,…
Đối với hộ cá thể: Có thời gian tham gia trồng cây dược liệu hai năm trở lên; Loại cây trồng trong danh sách những loại cây dược liệu quý đang được định hướng phát triển, các dược liệu có giá trị về kinh tế; Hiệu quả kinh tế thu được từ hộ nghèo thoát nghèo nhờ cây dược liệu...