Hải Dương: Dân bị “cắt” nhiều khoản hỗ trợ ở dự án đường dẫn cầu Đồng Việt có đúng luật?
Chưa kịp thu hồi vốn đã đầu tư vào diện tích đất nhận khoán nhưng nhiều hộ dân ở phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương phải “nhường” đất cho dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37. Ngoài thiệt thòi do cây cối chưa cho sản phẩm, một số hộ dân ở đây cho rằng còn có dấu hiệu bị áp mức hỗ trợ không thỏa đáng ở nhiều khoản.
Cây trồng 2-3 năm, được đền bù ngang giá cây giống
Để thực hiện dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37 (dự án), ngày 24/2/2023, UBND Tp. Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã quyết định thu hồi hơn 9.160 m2 đất trồng cây lâu năm của Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương, hiện đang giao khoán cho một số hộ gia đình cá nhân sử dụng.
Theo phương án bồi thường, hỗ trợ do Hội đồng bồi thường hỗ trợ và Tái định cư thực hiện Dự án (BTHT&TĐC) lập ngày 20/2/2023 thì các gia đình nhận giao khoán đều không được bồi thường về đất, không được hỗ trợ về công cải tạo, san lấp cũng như không được hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề… Riêng tài sản, vật kiến trúc do các hộ xây dựng trên đất rừng thì được bồi thường 60% giá trị theo bảng giá của tỉnh.
Không đồng ý, ông Lê Văn Tài (khu dân cư Tiên Sơn) và ông Hoàng Công Long (khu dân cư Chi Ngãi) cùng có đơn đề nghị được tính toán đầy đủ các mức hỗ trợ theo quy định như: đền bù 100% giá trị công trình; được hỗ trợ công sức tôn tạo và hỗ trợ ổn định đời sống.
Tuy nhiên, UBND Tp. Chí Linh trả lời bằng văn bản cho rằng phương án bồi thường là đúng quy định hiện hành, đề nghị hai ông chấp hành thu dọn cây cối, tài sản để bàn giao mặt bằng.
Ông Lê Văn Tài cho hay, theo hợp đồng với Ban Quản lý rừng thì các ông nhận khoán trong thời hạn 30 năm, đã đầu tư trồng, chăm sóc những cây ăn quả lâu năm, cây lấy gỗ... Đến nay, hầu hết những cây này chưa được thu hoạch, thì đã phải phá bỏ để nhường đất cho dự án. Thiệt thòi này là rất lớn nhưng ông chỉ được giải thích là giá cây cối áp theo khung giá của tỉnh ban hành. Tuy nhiên, giá này không đúng giá thị trường.
Đơn cử, giá một cây xoan, cây bạch đàn giống hiện đã có giá hơn 10.000 đồng/cây, nhưng theo áp giá thì cũng chỉ được đền bù 10.000 đồng/cây có đường kính gốc 5cm. Hoặc một cây vải tán gần 5m cũng chỉ được đền bù chưa đến 500.000 đồng, tức là chỉ bằng một phần nhỏ giá trị quả vải thu hoạch 1 vụ của chính cây này.
Tỉnh cho hỗ trợ, sao thành phố vẫn “cắt”?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kiên- Chủ tịch UBND Tp. Chí Linh nói: “Bây giờ còn khiếu nại cái gì, đã nhận hết tiền rồi còn khiếu nại. Anh nhận khoán của Ban Quản lý rừng thì chỉ được hỗ trợ theo quy định, chứ không phải như đất nhà anh. Anh ấy cũng không phải là công nhân, nhân viên của Ban quản lý rừng nên không thể được hỗ trợ đời sống được”.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thế Trung (Đoàn LS Hà Nội) thì ông Tài, ông Long là “hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”. Theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cũng như hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Một khoản bồi thường, hỗ trợ của ông Tài, ông Long mà luật sư Trung cũng cho rằng đã bị “cắt” vô lý là khoản bồi thường về tài sản trên đất. Cụ thể, tại văn bản trả lời người dân, UBND Tp. Chí Linh dẫn quy định tại khoản 3, Điều 20 Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2004 của UBND tỉnh Hải Dương (quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương) để cho rằng tài sản, vật kiến trúc của ông Tài, ông Long chỉ được hỗ trợ 60% giá trị.
Nhưng quan điểm trên bất hợp lý ở chỗ, quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với “nhà, công trình không được phép xây dựng”. Còn trong trường hợp này, chưa có căn cứ nào khẳng định công trình xây dựng của ông Tài (như nhà chính, bếp, kho, nhà vệ sinh…đều là nhà cấp 4, tường gạch papanh, mái pibro xi măng) là xây dựng trái phép. Đây thực chất chỉ là những công trình tạm để phục vụ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất…nên được phép xây dựng, tồn tại theo quy định tại Nghị định 135 NĐ-CP (quy định về việc giao đất khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất…).
Hơn nữa, tại Hợp đồng giao khoán của ông Tài thì Ban Quản lý rừng cũng đồng ý rằng “bên nhận khoán được làm lán trại với diện tích theo quy định của UBND tỉnh và Chính phủ để trông coi, bảo bệ sản xuất...”
“Như vậy, hộ ông Tài đủ điều kiện được nhận đền bù 100% giá trị công trình trên đất. Còn nếu UBND Tp. Chí Linh từ chối bồi thường 100% giá trị đối với công trình nào thì phải chứng minh công trình đó không được phép xây dựng, chứ không thể giải thích chung chung”- Luật sư Trung nêu ý kiến.
Qua trả lời của UBND Tp. Chí Linh, có thể thấy cơ quan này luôn căn cứ vào các quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Quyết định số 37 của UBND tỉnh Hải Dương để tính các khoản bồi thường. Tuy nhiên, theo luật sư Trung thì một khoản mà ông Tài, ông Long đáng được hưởng theo hai văn bản trên là “chi phí san lấp, cải tạo” và “chi phí đầu tư vào đất còn lại” thì UBND Tp. Chí Linh lại phủ nhận và cho rằng “Hợp đồng giao khoán không có điều khoản người nhận giao khoán được hưởng công cải tạo, san lấp”.
“Hợp đồng không nêu thì cũng không thể mặc nhiên coi ông Tài, ông Long không được hưởng công cải tạo, san lấp; cũng không thể coi hai ông này từ chối nhận. Pháp luật đã quy định thì UBND Tp. Chí Linh cần tính toán đầy đủ các khoản để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân, chứ không thể lấy lý do bên giao khoán và bên nhân khoán không thỏa thuận thì… “cắt” được”- Luật sư Trung quan điểm.
Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên về khiếu nại của các hộ, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND Tp. Chí Linh vẫn nói: “Cái gì chúng đã trả lời bằng văn bản rồi thì chúng tôi giữ nguyên quan điểm đó, chúng tôi không làm sai lệch…”
Trong khi đó, ông Long, ông Tài thì vẫn giữ nguyên nội dung khiếu nại và cho biết đang cân nhắc khởi kiện vụ án hành chính, trong đó sẽ đề cập cả về quyền lợi của người nhận khoán, cũng như những dấu hiệu vi phạm về thủ tục thu hồi đất, thủ tục bồi thường trong dự án này như: chậm giao quyết định thu hồi đất; không ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường; không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại…