Tòa án

TAND tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Hải Yến-Nguyễn Thảo 26/09/2023 - 18:51

Chiều ngày 26/9, TAND tỉnh Nghệ An phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Đồng chí Trần Ngọc Sơn, Ủy viên BCH Đảng bộ, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại biểu quốc hội khóa XV tỉnh Nghệ An, Đại diện thường trực HĐND, UBMTTQ Việt Nam, UBND, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, các sở ban ngành, Hội luật gia, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An và lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Nghệ An.

toa-1.jpg
Đồng chí Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Đồng chí Trần Ngọc Sơn, Ủy viên BCH Đảng bộ, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị

Sau nhiều năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Trong khi đó, hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn, trách nhiệm lớn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; số lượng vụ việc phải giải quyết tăng với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp.

toa-3.jpg
Đồng chí Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc Hội phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

toa-4.jpg
Đồng chí Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đóng góp nhiều ý kiến trong việc xác định nội hàm quyền tư pháp, thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ và cơ cấu TAND

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.

Bố cục của dự thảo luật gồm: những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.

toa-5.jpg
Ông Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến về các quy định cơ cấu tổ chức TAND và tên gọi của Tòa án các cấp; ngạch, bậc và nhiệm kỳ Thẩm phán

Đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản thống nhất cao với bố cục và nội dung Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), và cho rằng việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp tại Dự thảo luật là hết sức cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế; đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án; thống nhất với quy định theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự.

Đại biểu thống nhất với chủ trương thành lập các toà án chuyên biệt để tăng tính chuyên nghiệp của tòa án trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu; tán thành phương án của Dự thảo luật về việc hình thành thiết chế hội đồng tư pháp quốc gia; giữ nguyên nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành; có chế độ bảo vệ thẩm phán; đổi mới về chế độ hội thẩm nhân dân.

toa-2.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến quan trọng góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo, đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý của hội đồng tư pháp quốc gia; việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án; trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho Nhân dân trong các tranh chấp Dân sự, Hành chính; quy định chi tiết hơn về khái niệm “người yếu thế”; giữ nguyên cơ cấu tổ chức của TAND và ngạch, bậc và nhiệm kỳ thẩm phán như hiện nay…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung đánh giá cao các ý kiến chất lượng của đại biểu, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật.

Những ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Hải Yến-Nguyễn Thảo