Có ngành học ra không xin được việc, có ngành cứ thiếu tại sao không đào tạo được?
Chính trị - Ngày đăng : 09:46, 25/04/2016
Báo cáo của VINASA cho biết, trong nhiệm kỳ III (2011-2015), ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) duy trì mức tăng trưởng 10-15%/năm. Doanh thu phần mềm tăng từ 1,06 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 1,6 tỷ USD năm 2015, doanh thu dịch vụ CNTT và nội dung số năm 2015 cũng đạt trên 1,6 tỷ USD.
Nguồn nhân lực phần mềm và dịch vụ CNTT tăng trưởng trung bình khoảng 10% năm, đã đạt quy mô gần 200.000 người. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90-95%.
Trong nhiệm kỳ IV (2016-2020) VINASA xác định tiếp tục thu hút và mở rộng tập hợp các DN trong ngành; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các DN hội viên và với cộng đồng DN CNTT quốc tế; xây dựng Hiệp hội là tổ chức đại diện tin cậy, chỗ dựa vững chắc của cộng đồng DN phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam; phát triển đa dạng hoạt động và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hội viên; tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt trên 20%; thúc đẩy ứng dụng CNTT trong nước giúp nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội. Ảnh Đình Nam
Đánh giá về những kết quả VINASA đã đạt được trong nhiệm kỳ III (2011-2015), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Hiệp hội giữ vai trò quan trọng đối với kết nối cộng đồng làm phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cũng như kết nối giữa doanh nghiệp (DN) với Chính phủ.
Đồng tình với những nhiệm vụ trong hoạt động của VINASA nhiệm kỳ 2016-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý khởi nghiệp là một trọng tâm. Theo Phó Thủ tướng, để phong trào khởi nghiệp phát triển thực sự mạnh mẽ, thực chất thì vai trò của các trường đại học rất quan trọng. “Làm sao để mỗi đại học đều có một không gian cho sinh viên khởi nghiệp (Start up) với rất nhiều ý tưởng sáng tạo, hoài bão. Nếu chúng ta làm tốt điều này sẽ góp phần thay đổi cách học trong trường đại học khi tinh thần lập nghiệp có ngay trong từng sinh viên, những công nghệ hay ý tưởng cũng từ đấy ra.
Chính phủ sẽ có một số chính sách tham gia đồng hành cùng với cộng đồng DN nhưng các DN lớn trong lĩnh vực CNTT, trước hết là thành viên của VINASA, phải làm nòng cốt trong tạo nguồn quỹ đầu tư cho cộng đồng khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi về một vấn đề nóng trong CNTT hiện nay là nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng nêu ra nghịch lý: Hàng trăm nghìn cử nhân cao đẳng thất nghiệp, hơn một trăm nghìn cử nhân đại học, kỹ sư thất nghiệp trong khi CNTT thiếu người làm. “Có ngành nghề học ra không xin được việc còn có những ngành nghề cứ thiếu tại sao chúng ta không đào tạo được? Đây là câu hỏi rất lớn, VINASA nên tập trung giải quyết.
Đồng thời Phó Thủ tướng gợi mở, Hiện có rất nhiều mô hình đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng CNTT như học liệu mở, đào tạo từ xa… và VINASA có thể phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để đào tạo về CNTT cho những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, nhất là khi có nhiều trường đại học đang là thành viên của VINASA”.
Với mong muốn để cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT phát triển nhanh hơn nữa, tình trạng thiếu nhân lực CNTT được khắc phục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng VINASA phải “lớn nhanh hơn”, giữ vai trò quan trọng trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đuổi kịp các nước phát triển hơn.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho VINASA vì những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Đại hội đã thống nhất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của VINASA trong nhiệm kỳ 2016-2020; bầu ra Ban Chấp hành gồm 52 ủy viên; PGS, TS Trương Gia Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.