TAND tỉnh Bình Phước tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Ngày 26/9, TAND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Chánh án TAND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Bích Thủy đến dự và chủ trì Hội nghị.
Đến dự còn có bà Điểu Huỳnh Sang – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước; Đại diện Hội thẩm nhân dân tỉnh; Lãnh đạo TAND các địa phương; Thẩm phán, Thư ký, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc TAND hai cấp tỉnh Bình Phước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy cho biết, Luật Tổ chức TAND đã phát huy tác dụng, giúp cho hệ thống Tòa án đi vào hoạt động nề nếp cùng với chất lượng ngày càng đi lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, Luật vẫn còn tồn tại một số bất cập cần phải giải quyết, đóng góp ý kiến, xây dựng để hoàn thiện.
Do đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; Xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; Hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới với một nội dung cốt lõi là cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặt ra nhiều nội dung đòi hỏi phải thay đổi hệ thống Tòa án, yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện, làm rõ chức năng nhiệm vụ, đảm bảo tính độc lập của Tòa án.
Trên thực tiễn, cần khắc phục những hạn chế, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã đề xuất và được Quốc hội thông qua chương trình sửa đổi Luật Tổ chức TAND.
Theo TANDTC, dự kiến dự thảo Luật gồm 151 điều; Trong đó: Giữ nguyên 9 điều; Sửa đổi, bổ sung 90 điều; Xây dựng mới 51 điều. Dự thảo được thiết kế thành 9 chương.
Hiện TANDTC vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và tháng 5/2024, Quốc hội sẽ thảo luận lần 2.
Quá trình diễn ra Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí và đánh giá cao về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có kết cấu, bố cục phù hợp, ngắn gọn, thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa theo các quy định của Hiến pháp.
Trong đó, các đại biểu đóng góp ý kiến về nhiều nội dung xoay quanh cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai tòa án điện tử; Quan điểm, nguyên tắc phạm vi sửa đổi luật; Về nội hàm quyền tư pháp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án; Chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án;
Nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính; Thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự; Thống nhất với quy định theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; Cần đặt ra trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang cho biết, đây là Hội nghị thảo luận chuyên sâu. Do đó, các đại biểu cần phân tích sâu hơn những nội dung phát sinh từ thực tiễn, những bức xúc của cử tri; Đồng thời, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nội hàm quyền tư pháp; Việc thành lập TAND chuyên biệt, Hội đồng tư pháp quốc gia cũng như địa vị pháp lý của Hội đồng tư pháp quốc gia…
Kết luận hội nghị, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy đánh giá cao những ý kiến đóng góp có trọng tâm với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) của các đại biểu. Các ý kiến góp ý chất lượng sẽ được TAND tỉnh Bình Phước tiếp thu và tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan để báo cáo đến TANDTC.