Cụ giáo làng và kho tư liệu quý về Bác Hồ
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 18/05/2015
Cả đời học theo Bác
Ngay từ nhỏ, cậu học trò Đậu Xuân Tiêu đã có lòng yêu nước nồng nàn và ý chí căm thù giặc sâu sắc. Lớn lên, cậu nhanh chóng tham gia lực lượng thanh niên cứu quốc rồi du kích địa phương, vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa ra sức học tập để trau dồi kiến thức.
Năm 1954, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số học sinh được gửi sang Trung Quốc du học, trong đó có cậu học trò Đậu Xuân Tiêu. Được học tại khu học xá Trung ương Trung Quốc, cậu học trò nghèo bỏ hết tất cả các cuộc vui chơi, lao vào học tập để đạt tốt nghiệp loại ưu và trở về nước công tác.
Thời đó, người miền quê du học hiếm lắm, nên khi nghe tin Đậu Xuân Tiêu trở về, mọi người kéo đến xem và hỏi thăm rất đông, một phần vì vui mừng vì làng quê có người đi học nước ngoài về, phần khác tò mò muốn xem "của cải" mà cậu học trò nghèo mang về ra sao. Và rồi tất cả đều ngạc nhiên khi các thùng "đựng của" to đùng chỉ chứa toàn sách là sách. Bà con kháo nhau: "Anh Tiêu học nhiều, loạn chữ nên khùng mất rồi".
Rồi cậu học trò ngày nào được phân công vào TP Vinh dạy học nhưng lại tự nguyện xung phong lên tận Việt Bắc truyền chữ cho con em các dân tộc thiểu số. Tại đây, anh đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Dinh, người con gái quê hương quan họ Bắc Ninh cũng nghe theo lời Bác lên núi cao dạy chữ, và hai người đã nên duyên vợ chồng.
Hàng ngàn đầu báo, ảnh về Bác Hồ được cụ Tiêu góp nhặt, nâng niu
Mãi đến năm 1971, vợ chồng thầy giáo Tiêu chuyển về dạy học tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) và tiến hành xây dựng tủ sách gia đình. Hai vợ chồng thầy dành hẳn 2 gian trong ngôi nhà mình, một gian xây dựng thư viện sách và ảnh về Bác Hồ, một gian lưu trữ các loại sách báo đưa từ nước ngoài về hoặc trích lương ra mua, làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ các bạn đồng nghiệp, các em học sinh và cộng đồng.
Thầy giáo Tiêu ngày nào mê sách đến mức đi bộ từ nhà đến trường đã đọc xong một cuốn, cứ nhận lương là mua sách báo, mọi chi phí trong nhà nhờ vào sự tần tảo của người vợ đảm đang. Ngày ấy, sách báo còn quý hiếm, nên nhiều lúc để mua được một cuốn sách thầy phải đạp xe đạp 70km vào tận thành phố Vinh.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Có đạo đức cách mạng thì trong hoàn cảnh nào cũng kiên quyết đấu tranh, chống mọi kẻ thù", từ khi còn tham gia công tác thầy thường xuyên tìm tỏi, cải tiến phương pháp giáo dục đối với học trò và không ngừng đấu tranh chống tiêu cực trong công tác giáo dục. Những bài giảng của thầy luôn được đồng nghiệp đánh giá cao và học trò hưởng ứng nhiệt tình.
Đến khi nghỉ hưu, vợ chồng thầy vẫn luôn tận tình chỉ dạy cho những ai có nhu cầu, đồng thời tham gia sản xuất, làm kinh tế tại địa phương. Bốn người con của gia đình thầy đều đã trưởng thành và có vị trí nhất định trong xã hội.
Đặc biệt đến nay, gia đình thầy giáo Tiêu vẫn giữ nguyên nề nếp vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, cả gia đình lại đứng trước cờ Tổ quốc và di ảnh Bác Hồ để chào cờ và hát Quốc ca.
Kho tư liệu vô giá
Đến nay, thầy giáo Tiêu đã là một cụ giáo già đã ở tuổi 86 nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Hàng ngày cụ vẫn viết báo, sáng tác thơ, đặc biệt là viết các bài đóng góp, xây dựng Đảng. Các con lo cho sức khỏe cụ, xin cụ nghỉ ngơi nhưng cụ bảo, Bác Hồ dặn: "Còn sức, còn cống hiến".
Cụ Tiêu bên thư viện sách vô giá về Bác
Trong thư viện sách và ảnh về Bác Hồ là cả một bộ tư liệu quý gồm 400 bức ảnh về Bác, có những bức chưa bao giờ đăng báo. Một tấm bản đồ thế giới, in những nước Bác đến từ năm 1911 - 1940 do Cục đo đạc bản đồ xuất bản, 35 đầu sách, có rất nhiều cuốn xuất bản lần thứ nhất như bộ Hồ Chí Minh toàn tập, Bác Hồ với giáo dục, Hồi ký về Hồ Chủ tịch do 13 tác giả được sống cùng với Bác viết, Dân ta phải biết sử ta, Việt Nam đấu tranh và xây dựng, đều xuất bản trước năm 1975.
Có những tài liệu hiếm như: Điếu văn của BCH Đảng cộng sản Liên Xô trong lễ truy điệu Bác, ảnh Bác đăng trên tờ họa báo Liên Xô năm 1969, các bài báo Bác Hồ viết đăng trên báo Nhân Dân...tất cả các tư liệu hình ảnh đều đã úa màu thời gian nhưng được sắp xếp ngăn nắp, và khoa học theo từng thời kỳ, rất dễ cho người đọc, người xem lựa chọn.
Tại gian lưu trữ sách báo với 1.000 cuốn đủ các loại sách đông tây kim cổ, phong thủy tử vi, 100 số tạp chí Liên Xô, 30 cuốn họa báo Trung Quốc, 29 câu chuyện chiến tranh về Việt Nam, 4550 câu ngạn ngữ, 2610 ý đẹp lời hay được xếp theo từng loại, từng nước.
Nhiều cuốn hiện nay không thể tìm thấy ở các nhà sách như: Bảy cuốn từ điển của 7 nước, Chiến tranh và hòa bình của Nga, Paris sụp đổ của Pháp, Rừng thẳm tuyết dầy của Trung Quốc, Khuyến học của Nhật Bản, Binh thư yếu lược của Việt Nam...
Nhiều bức tranh, hình ảnh về Bác chưa từng được đăng báo
Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được 31 đầu báo, tạp chí các loại trong và ngoài nước của thời kỳ trước như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã, Lao động, Quân đội nhân dân....
Các đầu báo được xếp thứ tự theo từng loại, trong đó chứa ăm ắp những tư liệu quý mà ngày nay khó tìm thấy được, cả một bức tranh thời bao cấp, bối cảnh xã hội nước ta những năm chống Mỹ ác liệt cam go, khó khăn gian khổ được phản ánh đầy đủ trên các đầu báo này.
Cụ còn có 1 cuốn sách dày trên 200 trang, lưu giữ 63 bài viết mà cụ góp ý từ cấp huyện đến Trung ương về các vấn đề xã hội, theo cụ, đó cũng là một cách để xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng của Bác Hồ.
Cụ tâm sự, Bác Hồ dặn "Còn cờ còn nước", vì vậy mỗi khi đứng trang nghiêm ngước nhìn lên lá cờ Tổ quốc, không những mình mà con cháu mình đang tự nhắc nhở, phải luôn hướng về Tổ quốc và đó cũng là niềm tin bất diệt vào sự trường tồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh.