Hải Phòng: Năng động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-TW
Đời sống - Ngày đăng : 17:07, 11/05/2015
Từ vị trí, vai trò và những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới của TP. Hải Phòng, ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-TW về "Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Một góc Hải Phòng (Ảnh sưu tầm)
Nổi bật, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, GDP tăng bình quân 11%/năm (gấp 1.57 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô kinh tế tăng gấp 2,8 lần so với năm 2002, đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; chiếm 4.7% tổng GDP của cả nước.
Cùng với đó,cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp chiếm gần 90%. GDP nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 11.15%/năm; năm 2012 tăng gấp 2.9 lần so với năm 2002.
Năm 2012, Hải Phòng có 16 doanh nghiệp nằm trong bản xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, GDP nhóm ngành dịch vụ tăng bình quân 12.28%/năm (năm 2012 tăng 3.2 lần so với năm 2002), đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. GDP nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4.46%/năm, bước đầu thể hiện vai trò là trung tâm phát triển thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Phát huy vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, sản lượng hàng hóa qua cảng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 13.02 triệu tấn vào năm 2003 đến năm 2012 đạt l48.8 triệu tấn năm (gần gấp 3.8 lần), tăng bình quân 16.7%/năm. Đặc biệt, năm 2014, tổng số lượng hàng hóa qua cảng đã đạt con số 60 triệu tấn.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển của TP. Hải Phòng có bước chuyển biến mới. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP. Hải Phòng trong 10 năm (2003-2013) đạt 224.668 tỷ đồng, tăng bình quân 18.1%/năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có bước tiến bộ quan trọng về số vốn và chất lượng dự án đầu tư.
Trong 10 năm (2003 - 2013), trên địa bàn TP. Hải Phòng đã có 358 dự án FDI có hiệu lực với số vốn đăng ký là 8.1 tỷ USD. Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, toàn thành TP. Hải Phòng có 9 dự án đầu tư nước ngoài (Thụy Điển, Lào, Hoa Kỳ, Đài Loan, Australia, Belaurus…) với tổng mức vốn đầu tư gần 20 triệu USD.
Sau thời gian nỗ lực thực hiện, TP. Hải Phòng đã thành lập: khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; 10 khu công nghiệp, trong đó đã có 5 khu đã đi vào hoạt động, trong năm năm (2008 - 2013) đã thu hút được 52 dự án đầu tư FDI, điều chỉnh tăng vốn 53 dự án FDI vào khu kinh tế và công nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 2.33 tỷ USD, chiếm 57% tổng số vốn FDI trên địa bàn.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, TP. Hải Phòng đã thu hút được một số dự án lớn của các tập đoàn từ Nhật Bản, Hàn Quốc … với công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và có khả năng lôi kéo, thu hút các dự án vệ tinh khác như các tập đoàn: Bridgestone; Nipro Pharma; Fuji Xerox; LG…đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; Tràng Duệ.
Thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 21.92%/năm, trong đó năm 2012 TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt 41.698 tỷ đồng (gấp 7.6 lần so với năm 2002). Đây là nguồn lực quan trọng để TP. Hải Phòng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị được TP. Hải Phòng tập trung đầu tư. Theo đó, TP. Hải Phòng đã hoàn thành quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Khởi công xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…khẳng định rõ vị trí Hải Phòng là đầu mối giao thông của cả nước ở các tỉnh phía Bắc…
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, song những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, dịch vụ cảng văn minh, hiện đại trước năm 2020.