Phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp
Với nhiều chuyên trang, Báo Công lý đã truyền tải một cách sinh động các hoạt động của Tòa án, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan Tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng.
Cùng chung mục đích tuyên truyền pháp luật
Công tác tuyên truyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, được ghi nhận tại Luật Tổ chức TAND năm 2014 như sau: “Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”. Tòa án thông qua phiên tòa đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Đây cũng chính là một chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của báo chí. Sự tương đồng về mục đích tuyên truyền đã tạo ra những thuận lợi về nguồn thông tin cho báo chí và hoạt động xét xử công khai chính là nguồn tư liệu phong phú và vô tận của báo chí. Tòa án là một lĩnh vực thường xuyên thu hút sự quan tâm của Nhân dân, của dư luận xã hội và báo chí. Hoạt động xét xử của Tòa án liên quan chặt chẽ đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Các loại vụ án, từ dân sự, hình sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình… chứa đựng trong đó biết bao vấn đề đáng quan tâm, những chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Do đó, Báo Công lý đã cho ra đời các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, về hoạt động xét xử của Tòa án, có phóng viên pháp đình chuyên trách mảng Tòa án.
Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng với chiến lược cải cách tư pháp, Báo Công lý tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ, bộ máy làm việc của hệ thống TAND, phản ánh hoạt động của Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xét xử… cũng như hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hoạt động xét xử các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đăng tải các bản án trên trang thông tin điện tử và nhiều công tác khác liên quan… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều chuyên mục trên Báo Công lý đã kịp thời giới thiệu, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những Thẩm phán giỏi, Thẩm phán mẫu mực được vinh danh... Qua đó, góp phần thông tin về tổ chức và hoạt động của TAND, đáp ứng nhu cầu của xã hội về tìm hiểu pháp luật và hoạt động của hệ thống TAND, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Mỗi ngày, trên khắp cả nước, có đến hàng trăm vụ án các loại được đưa ra xét xử công khai tại trụ sở Tòa án hoặc lưu động. Và diễn biến phiên tòa với những lời khai về hành vi phạm tội của bị cáo, những âm mưu, thủ đoạn phạm tội của chúng được Hội đồng xét xử làm rõ cùng với những hình phạt nghiêm khắc được Báo Công lý đăng tải đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, cảnh tỉnh những kẻ có ý định phạm tội.
Có rất nhiều góc độ khai thác tư liệu qua hoạt động của Tòa án. Về mặt xã hội, những “ký sự pháp đình” mà Báo Công lý đăng tải đã lấy chính những hình ảnh, sự sám hối của các bị cáo tại các phiên xét xử công khai để phản ánh lên một thực trạng đáng lên án, đáng báo động hoặc đáng suy ngẫm như một bài học chung.
Về góc độ khoa học pháp lý, những vấn đề còn có quan điểm nhìn nhận khác nhau về công tác xây dựng và áp dụng pháp luật, thậm chí đối lập cũng chính là nguồn để báo chí nêu ra như diễn đàn thu hút sự quan tâm cho những người làm công tác liên quan đến luật pháp hoặc những người muốn tìm hiểu lĩnh vực này.
Thông tin về các quy định của pháp luật, về hoạt động tố tụng và các tin tức liên quan đến hoạt động của Tòa án được các phương tiện truyền thông phổ biến chính xác, kịp thời và đầy đủ, sẽ là kênh truyền tải có hiệu quả nhất để người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao dân trí; qua đó tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; đồng thời, người dân cũng biết thêm về tình hình tội phạm, các thủ đoạn phạm tội mới để nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình và phòng ngừa tội phạm.
Chánh án Nguyễn Minh Hải (Chánh án TAND tỉnh Sơn La), cho biết: Hiện nay, Báo Công lý ngày càng đa dạng các hình thức báo chí như: báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử… Vì vậy, Báo Công lý đã có nhiều bài chất lượng, truyền tải một cách tự nhiên, dễ tiếp nhận, đáp ứng được nhu cầu thông tin của đông đảo người đọc. Thông tin được đưa ra ở nhiều góc độ, nhìn nhận và đánh giá đa chiều. Tùy theo đối tượng độc giả khác nhau, Báo Công lý đã đưa ra những hình thức tuyên truyền phù hợp.
Hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ
Báo chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền hoạt động của TAND. Với phương châm đó, nhiều năm qua, sự phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa hệ thống TAND các cấp với các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và Báo Công lý nói riêng khá nhịp nhàng và hiệu quả. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được Tòa án phối hợp với cơ quan báo chí tổ chức truyên truyền sâu rộng trong xã hội vào thời điểm trước, trong và sau khi xét xử.
Theo Chánh án Nguyễn Minh Hùng (Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang) thì Báo Công lý thật sự là người bạn đồng hành của cán bộ Tòa án, đồng thời cũng là người bạn tin cậy của độc giả, của nhân dân. Trong lĩnh vực tư pháp, công tác tuyên truyền, Báo Công lý góp phần quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ông Hùng cho rằng, để phối hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp giữa Tòa án váo Báo Công lý, lãnh đạo Tòa án cử cán bộ cộng tác viên đưa tin bài, cung cấp tư liệu để đăng bài, phối hợp trả lời phỏng vấn về các chuyên đề theo yêu cầu của Báo Công lý. Bố trí vị trí tác nghiệp thuận lợi cho phóng viên tại phiên tòa. Tòa án thông tin về lịch xét xử của Tòa án để theo dõi và phối hợp tuyên truyền. Tòa án phối hợp với đài truyền hình địa phương, báo địa phương, các báo đài thường trú khu vực, để làm nhiều phóng sự về hoạt động của Tòa án, đăng bài về công tác cải cách tư pháp, về chương trình phòng, chống tội phạm của quốc gia, các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người, tội phạm buôn bán động vật hoang dã, tội tổ chức người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép ở vùng biên giới…
Đối với các phiên tòa lưu động, phiên toà giả định để tuyên truyền pháp luật, các phiên họp của Hội đồng giảm án, miễn chấp hành hình phạt tù, Tòa án chủ động có giấy mời, bố trí phương tiện để các phóng viên đến tận nơi theo dõi đưa tin, bài. Nhiều phiên tòa lưu động với nhiều bị cáo, với sự tham dự của rất đông người rất cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng các Tòa án vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên Báo Công lý tác nghiệp, thậm chí còn có khu vực dành riêng cho báo chí. Cho nên, những diễn biến tại phiên tòa liên tục được cập nhật trên báo chí đã đem đến cho người dân cả nước những thông tin kịp thời, chính xác.
Như vậy, hoạt động của Tòa án và Báo Công lý có tính tương tác, hỗ trợ với nhau. Hiểu được vấn đề này, đứng trước yêu cầu cải cách tư pháp nói chung và nhu cầu cần thiết của việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, thời gian tới, Báo Công lý tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các tin, bài với đa dạng loại hình, thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nược, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; đổi mới cách làm hay, sáng tạo về nội dung và hình thức trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến Nhân dân.