Nhịp cầu Công lý

Hà Nội: Giao Chánh Thanh tra thành phố xác minh khiếu nại của người dân

Gia Khánh 24/09/2023 07:22

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo đơn khiếu nại của một số hộ dân có đất bị thu hồi tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua xã Ngọc Hồi đủ điều kiện thụ lý; thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND Thành phố và giao cho Chánh thanh tra Thành phố trực tiếp xác minh.

anh-tt.jpg
Khu vực đất của các hộ dân bị thu hồi cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua xã Ngọc Hồi

Cấp xã xác nhận sai nguồn gốc sử dụng đất?

Trước đó, 5 hộ gồm: cụ bà Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Đức Tùng đều trú tại Đội 7, Xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì có đơn gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khiếu nại các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua Ngọc Hồi - Văn Điển; các hộ này không đồng ý với các quyết định (QĐ) giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì về nội dung trên.

Đơn gửi Chủ tịch UBND thành phố, các hộ dân cho biết, thửa đất mà gia đình đang sử dụng có nguồn gốc sử dụng từ năm 1976 đất do chính quyền địa phương giao, thời điểm đó, các hộ đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ để ở. Từ năm 1976 cho đến nay, các hộ sử dụng ổn định, liên tục, công khai, không có tranh chấp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế sử dụng đất ở với Nhà nước.

Nguyện vọng của các hộ dân là đề nghị xem xét thửa đất đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng hợp pháp; đủ điều kiện được bồi thường tái định cư phù hợp để đảm bảo đời sống người dân không bị ảnh hưởng sau khi bị thu hồi đất.

Trường hợp của gia đình cụ Bà Bùi Thị Xuân, toàn bộ diện tích 326,7m2 gia đình đang sử dụng bị thu hồi để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A. Trước khi bị thu hồi có 04 thế hệ 05 hộ gia đình với hơn 15 nhân khẩu hiện đang sinh sống thường xuyên trên đất (bao gồm có cụ hơn 80 tuổi, con gái cụ hơn 50 tuổi bị tàn tật bẩm sinh và cả trẻ sơ sinh); quá trình sử dụng gia đình đã đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299 và Chỉ thị 364, có tên trong Bản đồ địa chính của địa phương.

Tuy nhiên, khi thu hồi đất gia đình bà đã không được bồi thường về đất ở, không được bố trí tái định cư phù hợp, dù gia đình không có nhà ở, đất ở nào khác tại xã Ngọc Hồi.

Được biết, ngày 25/03/2023, UBND xã Ngọc Hồi cũng đã có Báo cáo điều chỉnh lại nguồn gốc sử dụng đất trong Giấy xác nhận nguồn gốc đất ngày 20/9/2018 (là căn cứ để UBND huyện Thanh Trì ra QĐ thu hồi đất và phương án bồi thường và QĐ giải quyết khiếu nại lần đầu)

Theo đó, UBND xã Ngọc Hồi xác nhận: Gia đình bà Bùi Thị Xuân sử dụng đất ổn định từ năm 1976, không có tranh chấp, khiếu kiện, việc sử dụng đất là trước thời điểm lập quy hoạch Dự án và đề nghị UBND huyện Thanh trì, các phòng ban chuyên môn điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình bà Bùi Thị Xuân để đảm bảo quyền lợi.

Tuy nhiên, UBND huyện Thanh trì sau đó đã không thực hiện việc điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình bà Bùi Thị Xuân và các hộ ông Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thị Hà. Cho rằng không để cho việc chính quyền xác minh nguồn gốc ban đầu sai mà người dân phải chịu thiệt hại, gia đình cụ Bà Bùi Thị Xuân đã quyết định nộp đơn khiếu nại lần 2 tới Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND Thành phố thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2

Theo tìm hiểu, tại QĐ giải quyết khiếu nại số 3453 ngày 13/7/2023 của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng, diện tích đất nằm trong chỉ giới thu hồi của hộ bà Xuân có nguồn gốc do chiếm đất do UBND xã Ngọc Hồi quản lý. Do vậy, không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên không đủ điều kiện để được bồi thường về đất theo quy định.

Còn hỗ trợ về đất, theo QĐ của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, căn cứ chính sách hỗ trợ về đất đã được UBND Thành phố chấp thuận, trường hợp các hộ chuyển đổi từ trước ngày 15/10/1993 hỗ trợ bằng 30% giá đất ở cùng vị trí theo Bảng giá đất của UBND Thành phố tại thời điểm phê duyệt phương án hỗ trợ đối với phần diện tích đất thực tế có xây dựng nhà ở, công trình phục vụ để ở bị thu hồi nhưng tối đa không quá 60m2/chủ sử dụng đất. Phần diện tích còn lại (nếu có) không được bồi thường, hỗ trợ. Do đó, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì quan điểm, việc phê duyệt án bồi thường, hỗ trợ về đất đối với hộ bà Xuân với diện tích 60m2 là đúng quy định.

Về đề nghị cấp đất tái định cư, QĐ giải quyết khiếu nại lần đầu cho rằng, theo quy định hiện hành, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở, nhà ở trước ngày 01/7/2004 mà có nguồn gốc do lấn, chiếm, khi Nhà nước thu hồi đất nếu không có chỗ ở nào khác thì được mua 01 căn hộ chung cư có diện tích nhỏ nhất trong quỹ nhà tái định cư của Thành phố hoặc mua 01 suất đất tái định cư 30m2 trong trường hợp địa phương còn quỹ đất tái định cư, theo giá quy định của UBND Thành phố nhân với hệ số điều chỉnh K= 1,3.

Vì thế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng việc ban hành QĐ phê duyệt phương án BTHT&TĐC cho gia đình bà Xuân được mua 01 suất tái định cư 30m2 là đúng với quy định của pháp luật.

Trong Thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn lần 2, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại, căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011, đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Đơn khiếu nại cũng đã được Chủ tịch UBND Thành phố giao Chánh Thanh tra Thành phố xác minh.

Trước đó, Ban Dân Nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc Hội cũng đã có công văn đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết trả lời Đơn thư của gia đình cụ bà Bùi Thị Xuân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân Nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội.

Câu hỏi đặt ra là xác nhận việc sử dụng đất của gia đình là thời điểm năm 1976, trước quy hoạch thì trong Quyết định thu hồi đất cho rằng gia đình lấn, chiếm đất là đúng hay không? Việc UBND huyện Thanh Trì không bố trí tái định cư cho 05 hộ gia đình, trong khi các hộ gia đình này không có nhà ở, đất ở nào khác liệu có đúng với quy định hiện hành.

Gia Khánh