Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015: Hãy lắng nghe tiếng nói trẻ em

Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 06/05/2015

Trẻ em được quyền nói lên suy nghĩ và mong muốn của mình. Chính những điều các em nói ra là sự phản ánh trung thực nhất về hiện trạng thực thi quyền trẻ em.

Quyền tham gia của trẻ em

Mặc dù Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em không đề cập riêng “Quyền được tham gia” trong một điều khoản riêng biệt nào, nhưng nó có mặt trong một nhóm các điều khoản của Công ước như “các điều khoản về tham gia”. Các quyền nằm trong nhóm này là: Quyền được bày tỏ ý kiến và Quyền được lắng nghe (Điều 12); Quyền tìm kiếm thông tin và tự do bày tỏ ý kiến (Điều 13); Quyền riêng tư (Điều 16); Quyền được tự do kết giao và hội họp (Điều 15); Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 14).

Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em khuyến khích mọi trẻ em tham gia và cung cấp các hỗ trợ cần thiết để khuyến khích việc này. Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã mang lại cách nhìn mới về trẻ em như là những nhân tố thay đổi. Mặc dù là “người dễ bị tổn thương cần có sự bảo vệ và trợ giúp của gia đình, xã hội và nhà nước”, nhưng mỗi trẻ em có thể “hình thành và bày tỏ ý kiến, tham gia vào quá trình đưa ra quyết định và tạo ảnh hưởng tới các giải pháp, can thiệp trong vai trò là người cộng tác trong quá trình thay đổi xã hội và xây dựng dân chủ.

Trong số các nhóm quyền được quy định trong Công ước, nếu như các nhóm quyền sống còn, nhóm quyền phát triển, nhóm quyền bảo vệ thể hiện tinh thần bảo vệ các quyền của trẻ em một cách thụ động, thông qua việc liệt kê các quyền và trách nhiệm của gia đình, nhà nước và toàn xã hội trong việc bảo đảm các quyền đó của trẻ em thì nhóm quyền tham gia thể hiện rõ hơn tinh thần xác định trẻ em là chủ thể có quyền tham gia và đưa ra các quyết định của mình trong quá trình phát triển, sự tham gia của các em đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội chứ không phải là đối tượng thụ hưởng, đối tượng cần sự thương hại, cứu trợ và lòng từ thiện thuần tuý. Đây được xem như là điểm nhấn quan trọng của Công ước, thể hiện rõ sự thành công của Công ước trong việc gắn các quyền dân sự và chính trị với các quyền kinh tế xã hội và văn hoá.

Việt Nam là nước châu Á đầu tiên và nước thứ 2 trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, là nước tích cực thực hiện cam kết, hợp tác với quốc tế nhằm cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực kiên trì, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em và trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015: Hãy lắng nghe tiếng nói trẻ em

 Trẻ em có quyền được lắng nghe và bày tỏ ý kiến

 

Trên cơ sở các quyền Hiến định, quyền tham gia của trẻ em với tư cách là một công dân - được thể hiện trong các văn bản khác như Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002… Đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em 2004 – văn bản dành riêng cho việc bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em. Điều 20 Khoản 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định: "Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm".

Hãy để trẻ nói lên suy nghĩ

 Kết quả tham khảo, lấy ý kiến của đại diện học sinh 10 trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, bản thân các em đang bị áp đặt về suy nghĩ, cách học, cách chơi, bị gây áp lực về học tập, bị kiểm soát thời gian, không gian riêng tư hay phải làm những điều theo sự sắp xếp của gia đình, nhà trường và không được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình... Nhiều ý kiến của em không được người lớn lắng nghe, nhiều khi chính em bị áp đặt suy nghĩ nên không dám bày tỏ quan điểm của mình. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng, trẻ em suy nghĩ rất khác người lớn, hãy để chính các em bày tỏ ý kiến và được nói lên suy nghĩ của mình.

Đồng tính với ý kiến trên, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, các em được quyền nói lên suy nghĩ và mong muốn của mình. Chính những điều các em nói ra là điều phản ánh trung thực nhất về hiện trạng thực thi quyền trẻ em.

Một trong những nguyên nhân khiến việc thực thi quyền trẻ em ở nước ta còn một số hạn chế, cũng như Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em hiện hành chưa phát huy hết được hiệu quả là do sau 10 năm áp dụng, nhiều quy định trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 đã không còn phù hợp. “Nhiều quy định chung chung, chưa cụ thể, cần sự thay thế, bổ sung và điều chỉnh” - bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận xét. Mặt khác, ngoài Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các quyền của trẻ em còn được được quy định rải rác trong 22 đạo luật khác nhau, chính sự dàn trải này làm hạn chế quyền trẻ em trong thực tế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đồng đội Trung ương cho rằng, những quy định trong luật vẫn còn khá xa thực tế. Từ trên giấy tới việc thực thi còn một khoảng cách. Do vậy, việc tuyên truyền về quyền trẻ em nên được thực hiện rộng rãi hơn. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là trong gia đình và nhà trường về quyền trẻ em, giúp đảm bảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em được thực thi và tôn trọng trong thực tế.

Ông Nguyễn Phú Trường cho rằng, nên có cơ quan riêng để giám sát việc thực hiện luật bảo vệ quyền trẻ em, cũng như theo dõi quyền trẻ em trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, chính việc không có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực hiện quyền trẻ em nên quyền lợi của trẻ em đang bị ảnh hưởng và còn nhiều tồn tại.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa nói: Chúng ta nên tạo ra các diễn đàn cho trẻ em để từ đó các em mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình. Chính các ý kiến của các em là cơ sở quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, để có góc nhìn toàn diện về mong muốn của trẻ, bên cạnh việc mở thêm nhiều diễn đàn còn cần thu hút ý kiến của trẻ em tại nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2015, các em cũng cần được thông tin về luật, về quyền của mình, từ đó đóng góp ý kiến, bổ sung cho phù hợp theo quan điểm của mình, để các cơ quan chuyên môn lắng nghe, tổng hợp và cân nhắc đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em trình Quốc hội thông qua vào năm 2015. 

Hương Lan