Đời sống

Những hành trình “Công lý và Trái tim”

Đan Hà 24/09/2023 06:00

Thường thì người ta mặc định, Báo Công lý, tờ báo của Tòa án chắc sẽ chỉ có những bài viết, những hoạt động thuần túy liên quan đến tố tụng, đến Tòa án. Nhưng còn có một chuỗi các hoạt động tuy âm thầm nhưng lại đầy những dấu ấn nghĩa tình của tờ báo - hành trình tri ân thương binh, liệt sĩ và đồng hành cùng quân đội trong rất nhiều hoạt động.

img_1439.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang tặng quà cho các đơn vị trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Biên cương” năm 2020 được tổ chức tại Nhà hát TP.HCM.

Hành trình tri ân thương binh, liệt sĩ

Tôi không biết hành trình tri ân thương binh, liệt sĩ của Báo Công lý có từ bao giờ. Từ khi tôi về ngôi nhà chung này, 12 năm đã qua cũng là 12 năm tôi được đi, được chứng kiến, được tham gia rất nhiều hoạt động ấm áp nghĩa tình này.

Những năm trước, dịp 27/7, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, chúng tôi có chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến khu D, viếng thăm các anh hùng liệt sĩ nằm lại mảnh đất linh thiêng này. Ở nơi đây, ngoài những liệt sĩ đã tìm được hài cốt, đưa về nghĩa trang, đưa về quê mẹ thì vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ hóa thân vào lòng đất mẹ, không một nấm mồ, không một tấm mộ bia. Tấc đất nào ở đây cũng thấm đẫm những hy sinh, để hôm nay, chúng tôi nhắc nhau, đi nhẹ nói khẽ thôi, để các anh yên “ngủ”…

Những chuyến đi thường niên như này, ngoài việc tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi luôn có những hoạt động tri ân đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, con em các gia đình chính sách. Mỗi năm, hàng trăm phần quà, học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập… được trao tặng. Cũng từ những chuyến đi như vậy, không ít những trường hợp gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở đã được Báo Công lý làm cầu nối, vận động các doanh nhiệp, nhà hảo tâm xây tặng nhà tình nghĩa.

Tôi nhớ mãi chuyến đi trao nhà tình nghĩa năm 2013 ở Đồng Nai. Lần đó Báo Công lý trao tặng 5 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Khi đến trao nhà cho bà Nguyễn Thị V., ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai- là con một liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ- bà V. đã bật khóc khi nhận món quà nghĩa tình mà Báo Công lý trao tặng. Tuy được chính quyền địa phương quan tâm, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bà và chồng sức khỏe không tốt nên nhiều năm qua căn nhà bà đang ở đã xuống cấp, chật chội. Căn nhà mà Báo Công lý trao tặng được xây trên đất gia đình, ngay cạnh căn nhà cũ đã xuống cấp, tuy không to đẹp nhưng đủ khang trang vững chãi, như một điểm tựa để gia đình bà yên tâm lao động sản xuất, cố gắng vươn lên.

27/7 năm nay, Báo Công lý tổ chức chuyến đi về nguồn “Tri ân miền đất lửa”, về với mảnh đất miền Trung nóng bỏng bom đạn trước đây, với Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Để tri ân các hương hồn liệt sĩ, và cũng để trao tặng những món quà đầy ắp yêu thương. Hàng chục phần quà đã được trao cho các em học sinh các tỉnh miền trung đất lửa, các phần quà được gửi đến người cựu thanh niên xung phong kiên cường nơi chiến trường xưa, và những căn nhà tình nghĩa đã được trao cho các gia đình liệt sĩ. Niềm vui trong ánh mắt các em học sinh, sự xúc động trong khóe mắt người thân liệt sĩ như một lời nhắc nhở chúng tôi cần nỗ lực hơn nữa trong hành trình đền ơn đáp nghĩa.

Đồng hành cùng quân đội trên các tuyến đầu

Báo Công lý là một tờ báo có nhiều gắn kết hoạt động sâu sắc với những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Phải kể đến chương trình nghệ thuật - được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia và nhiều kênh truyền hình địa phương - “Tổ quốc nhìn từ Biển” được tổ chức lần đầu năm 2013, lần 2 năm 2017 với tên gọi “Biển đảo Quê hương” và lần 3 là “Xuân Biên cương” tổ chức năm 2020.

Mỗi chương trình là một món quà và cũng là lời tri ân gửi đến những người chiến sĩ nơi tuyến đầu tổ quốc, những con người dù thời chiến hay thời bình đều chịu những vất vả hy sinh vì sự bình an cho nhân dân, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ hòa bình cho đất nước.

7-1-.jpg
Văn phòng Báo Công lý tại TP.HCM phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 7 tặng quà gia đình chính sách trong đại dịch Covid-19.

Cũng từ những chương trình nghệ thuật này mà Báo Công lý đã được không ít các tập đoàn, các doanh nghiệp ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu về sau chương trình đã được Báo Công lý trao tặng các đơn vị bộ đội nơi biên giới, hải đảo nhằm góp một phần nhỏ cùng nhà nước, quân đội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người lính nơi tuyến đầu tổ quốc.

Đồng thời trích một phần làm kinh phí tặng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, hàng ngàn phần quà, học bổng đã được trao cho con em bộ đội. Hậu phương vững chắc cũng là điều quan trọng khiến người lính nơi tuyến đầu yên tâm vững tay súng.

Cơn đại dịch Covid-19 vừa qua lại là một cột mốc sâu sắc cho sự kết hợp giữa Báo Công lý và các đơn vị quân đội trong cuộc chiến với kẻ thù không chiến tuyến. Ngay khi đại dịch mới bắt đầu bùng phát, những phóng viên của Báo Công lý, với đặc thù công việc của mình đã nhìn thấy đâu đó rất nhiều người lao động nghèo cần được giúp đỡ để có thể vượt qua khó khăn mùa dịch. Làm gì và làm thế nào để giúp dân là câu hỏi được đặt ra.

Với lợi thế có thể kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân, Báo Công lý đã vận động được rất nhiều lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu ủng hộ người lao động nghèo TPHCM, nơi điểm nóng dịch bùng phát. Quân đội là đối tác mà báo chọn để cùng đồng hành giúp dân bởi chỉ có bộ đội mới có khả năng đưa hàng hóa đến từng khu dân cư lao động.

Ngay đầu mùa dịch, nhiều phiên chợ 0 đồng trị giá hàng tỷ đồng đã được Báo Công lý phối hợp với Quân khu 7 tổ chức để đưa lương thực thực phẩm đến tận tay người dân lao động, chung tay cùng thành phố chống dịch.

Khi dịch bùng phát, toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, thì cũng là lúc phóng viên Báo Công lý phát huy cao nhất lợi thế nghề nghiệp để vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm máy tạo oxy, hàng trăm máy đo chỉ số oxy, hàng ngàn bộ đồ bảo hộ và hàng chục ngàn khẩu trang chuyên dụng... cho các bệnh viện dã chiến. Chỉ cần một tin nhắn của bác sĩ nơi tuyến đầu “Chị ơi tụi em đang cần…” là chúng tôi lại tất tả vận động tìm kiếm. Giữa cái lúc khó khăn như thế, khi mà mọi đầu mối kinh doanh bị đình trệ, thì chưa có yêu cầu, mong muốn nào của các bác sĩ tuyến đầu gửi tới mà chúng tôi không đáp ứng được.

Bên cạnh đó, hàng trăm tấn gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm và hàng ngàn liều thuốc điều trị covid cũng đã được các phóng viên, nhân viên Báo Công lý len lỏi đến từng con hẻm, từng khu trọ, đưa đến tận tay bà con lao động nghèo.

Có lẽ, khoảng thời gian chống dịch là dấu ấn không bao giờ có thể phai trong tâm trí chúng tôi, những người sống, làm việc, cống hiến ngay tâm dịch. Tôi khi đó, nhờ đặc thù công việc, có thể di chuyển khắp thành phố, đã trở thành một người vận chuyển chuyên nghiệp. Không hiểu từ đâu, số điện thoại cá nhân tôi đã trở thành đường dây nóng để người dân nhắn tin báo: hẻm này có gia đình đang thiếu gạo, hẻm này có gia đình có con nhỏ cần sữa, hẻm này có ca F0 cần thuốc…

Tôi và các đồng nghiệp của mình, có những đêm thức trắng, không ngày nào có được 2 tiếng đồng hồ để ngủ, tả xung hữu đột khắp thành phố, sáng đưa đồ ăn đến bệnh viện dã chiến cho bác sĩ, trưa về lúc nhận gạo, lúc nhận rau nhận trứng… rồi chia phần lương thực, tối đi phát cho dân… Nhưng vẫn thấy mình may mắn, vì mình còn sức khỏe để cống hiến, vì mình đã không “hy sinh” trong đại dịch như hàng ngàn, hàng vạn đồng bào và các chiến sĩ áo trắng…

Mỗi chuyến đi, mỗi lần trao quà, tưởng rằng chúng tôi đang cho đi, nhưng thật ra chúng tôi đang được nhận lại rất nhiều. Chúng tôi nhận lại những ấm áp, nghĩa tình, những tình cảm chân chất thân thương, của không chỉ từ những người được nhận quà, mà còn từ bà con lối xóm xung quanh. Chúng tôi gọi những chuyến đi ấy là những chuyến hành trình “Công lý và Trái tim”.

Đan Hà