Ký ức về những phiên tòa vùng cao
Ngày nay, Y Tí hay Mù Cang Chải được rất nhiều người, nhất là bạn trẻ biết và tìm đến để “săn mây” khi trời đất quấn quyện la đà, hoặc “chek in” bên những ruộng bậc thang đẹp mê hồn… Nhưng hơn chục năm về trước, những địa danh này quá lạ lẫm hoặc nghe đã thấy oải và chỉ biết lắc đầu đầy ngao ngán khi phải đến những nơi đó. Vậy mà, phóng viên Báo Công lý đã đến những nơi đó từ thời còn gian khó để ghi lại những thời khắc các cán bộ Toà đã “cõng luật lên non” vừa để trừng trị tội phạm, cũng là góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc…
Đến “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" xem xử án
Trên địa bàn huyện vùng cao Bát Xát, tỉnh Lào Cai (nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào đất Việt Nam), Y Tý là một xã xa xôi nhất, cách trở bậc nhất, thời tiết khắc nghiệt nhất, cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật phức tạp nhất. Dù chỉ cách huyện lị hơn 80km, nhưng cách đây hơn chục năm, để lên được Y Tý, xe của chúng tôi phải mất gần 4 giờ mới “bò” hết con đường nhỏ hẹp, chạy lắt lẻo giữa bịt bùng núi cao và một bên là vực sâu hun hút. Kể cả với những tay lái cừ khôi nhất vùng Tây Bắc, khi phải vần vô lăng trên cung đường chạy dọc theo mép vực với liên tiếp những khúc tay áo này cũng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn…
Giữa mênh mông đất trời, sông núi, chúng tôi có thêm dịp để cảm nhận thêm về vẻ đẹp và sự hùng vĩ của đất nước mình. Núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy những bản làng mờ xa, tất cả như một bức tranh không thể hoàn mỹ hơn… Và hơn cả điều đó, chúng tôi cảm nhận những vất vả của cán bộ Tòa án vùng sâu, vùng xa này.
Để đưa ra xét xử lưu động, việc đầu tiên và khá tế nhị là việc gắn với chuyện “bếp núc”. Giữa chốn rừng núi hoang vu, sơn cùng thủy tận này biết kiếm đâu ra chỗ nghỉ ngơi qua đêm cho cả chục con người của đoàn công tác gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Hội thẩm nhân dân. Vậy là công tác “quân vận” được áp dụng triệt để bằng việc xin “ngủ nhờ” tại Đồn Biên phòng Y Tý…
Quán xá ở đây không có nên từ mấy ngày trước, chị em trong đoàn đã đi chợ từ sáng sớm để mua rau, thịt… mang lên để phục vụ những bữa ăn cho chục con người trong 2 ngày. Cùng với đó là công tác chuẩn bị nơi xử án với lỉnh kỉnh bàn ghế, bục xét xử, Quốc huy và một thứ không thể thiếu là vành móng ngựa cũng buộc phải mang theo từ trụ sở TAND huyện …
Tôi còn nhớ nguyên sắc màu sặc sỡ trên những khăn, những váy của phụ nữ người Mông, Dao, Hà Nhì đến xem phiên tòa. Họ đến sớm lắm và có lẽ phải đi từ nửa đêm vì đường xá miền núi xấu hoặc rất có thể đã đến đây từ chiều hôm trước. Cánh đàn ông thì có phần đơn giản hơn và không thiếu cái điếu cày trên tay. Tất cả đều mau chóng tìm cho mình chỗ tốt để xem mặt “cái bị cáo” nó thế nào(!)
Những phiên tòa diễn ra trật tự và uy nghiêm, đồng bào theo dõi buổi xét xử trong yên lặng. Nghe HĐXX phân tích, giải thích pháp luật, các bị cáo đều nhận “mình có cái tội rồi” và chỉ xin Tòa “cho tù ít thôi”.
Tẩn Xử Mẩy, sinh 1958, được hỏi có biết tiếng phổ thông không thì quay sang người phiên dịch nói gì đấy. Vậy nên mỗi câu hỏi lại phải chờ dịch… Mẩy khai đi chợ mường Hum, có cái đứa người Mông nó bảo muốn mua thuốc phiện, hê rô in, bị cáo bảo mình không có mà. Rồi nó gọi điện thoại di động bảo đi mua rồi về bán, nó khắc mua. Thế là bị cáo khắc đi lên chợ mua thuốc phiện của đứa người Mông, không biết tên đâu thật mà... Lúc đầu Mẩy cứ hồn nhiên khai như thể mua thuốc phiện hay hêrôin là mua cái rau, cái thịt ở chợ.. Theo người phiên dịch thì Mẩy “cãi”, bảo Mẩy chưa bán mà, đang để trong người thì cái bộ đội biên phòng nó bắt… HĐXX đã giải thích cho Mẩy cũng như những người đến dự phiên tòa rằng, việc mua thuốc phiện, hê rô in về để bán là không được vì Nhà nước cấm, là vi phạm pháp luật, là phạm tội. HĐXX nêu thảm cảnh, tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái li tán, bệnh tật và tội ác vì thuốc phiện, vì hêrôin… Rồi Mẩy hiểu, Mẩy khóc, những giọt nước mắt ân hận. Anh Tẩn Láo Sử- người phiên dịch (là người cùng dân tộc với Mẩy) nói với HĐXX rằng bà ấy bảo đã biết sai rồi mà, tòa cho đi tù ít thôi, già rồi mau về trông cháu cho bố mẹ nó đi lên nương. Có những tiếng xì xầm của bà con ở phía dưới. Tôi không hiểu được những người dân tộc nói gì chỉ thấy những cái lắc đầu. Hỏi người phiên dịch, tôi được biết như vậy là bà con không đồng tình và không thích cái đứa buôn bán thuốc đó đâu.
Tuy mới ngoài 30 tuổi, nhưng Hầu A Chúng đã kịp trang bị cho mình “ba vợ, sáu con” (ba vợ đều không có đăng ký kết hôn) và một bản án 7 năm tù về tội hiếp dâm. Lần này, Chúng phạm tội vì đã tổ chức cho cháu ruột 13 tuổi của mình trốn ra nước ngoài trái phép. Và không ai khác, chính đứa cháu khi được trở về Việt Nam đã tố cáo y. HĐXX và người bào chữa cho bị cáo Chúng đã phân tích hành vi phạm tội cho bị cáo và những người dự phiên tòa cùng nghe. Mức án 3 năm tù đã được tuyên trong tiếng thì thầm “cũng phải thôi mà”…
Mỗi phiên xét xử, ngoài việc thẩm vấn kỹ, làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo, các vị Chủ tọa đều dành khá nhiều thời gian phân tích, giải thích và tuyên truyền pháp luật cho bà con các dân tộc có mặt tại phiên tòa. Các vị Hội thẩm nhân dân, những người đang sinh sống cùng bà con cũng phân tích thêm với phương pháp rất gần gũi, đơn giản để bà con hiểu…
Các phiên tòa kết thúc nhưng người dân thì vẫn nán lại như để cảm nhận nhiều hơn nữa về sự nghiêm minh của pháp luật; sự thân thiện, gần gũi của những “quan Tòa”.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đúng nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào Việt Nam. Đó là khu vực ngã 3, nơi có dòng suối Lũng Pô nước trong xanh chảy, tiếp nối vào dòng sông Nguyên Giang (Trung Quốc) tạo ra con sông Hồng nặng đỏ phù sa, mang những mùa vàng bội thu cho người dân đồng bằng Bắc bộ.
Đứng bên cột mốc biên giới thiêng liêng, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những hy sinh và cống hiến lớn lao của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để gìn giữ bình yên cho mảnh đất nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Qua “Sừng Trời” xem phiên tòa trong… mây
Đã hàng chục năm trôi qua nhưng kỷ niệm về chuyến theo chân cán bộ, thẩm phán TAND tỉnh Yên Bái đến huyện Mù Cang Chải xem xử án cũng là ấn tượng khó quên của tôi trong thời gian làm việc ở Báo Công lý. Mặc dù đã được cảnh báo rằng, lên Mù Cang Chải mùa này sương mù dày đặc sẽ cực kỳ nguy hiểm vì núi cao, đèo sâu và vực thẳm, nhưng khi được lãnh đạo TAND tỉnh Yên Bái ủng hộ, chúng tôi … “ngược”.
Từ thành phố Yên Bái, vượt gần 200 trăm cây số, xa hơn về Hà Nội, với những cung đường như dải lụa vắt vẻo trên núi, qua đèo Khau Phạ (tiếng Mông nghĩa là Sừng Trời) là thử thách đầu tiên mà ai muốn đến được Mù Cang Chải- xứ sở một thời bị coi là chốn “khỉ ho, cò gáy” cũng phải nếm trải. Vất vả là vậy nhưng chúng tôi ai nấy đều vui vì được trải nghiệm một thiên nhiên hùng vĩ. Dừng chân tại Sừng Trời, giữa thiên nhiên bao la, ngắm nhìn những dãy núi giống như những chiếc sừng cong mọc giữa những tầng mây trắng xóa. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái. Ấn tượng khó quên nữa là được thưởng thức một thứ ẩm thực rất độc đáo của vùng Tây bắc- nếp Tú Lệ nổi tiếng được chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh rán, xôi… với vị thơm, dẻo đến nức lòng.
Theo lãnh đạo TAND tỉnh Yên Bái, mặc dù các ngành, đoàn thể ở Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tệ nạn ma túy những năm đầu thế kỷ 21 ở địa bàn này vẫn rất phức tạp. Cùng với đó là nạn đốt nương dẫn đến cháy rừng, những hệ lụy từ mê tín, mông muội của người dân đã dẫn đến những vụ án án hôn nhân gia đình phức tạp… Với mong muốn góp phần tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải, định kỳ hàng năm TAND tỉnh Yên Bái tổ chức các phiên tòa lưu động tại địa phương này. Các vụ án được đưa đi xét xử lưu động ở Mù Cang Chải thường là vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc liên quan đến hôn nhân và gia đình…
Việc đưa đi xét xử lưu động của Tòa án luôn được cấp ủy và lãnh đạo địa phương ủng hộ. Bữa cơm tối đạm bạc tại Tòa án huyện, Bí thư huyện ủy Sùng A Vàng và nhiều cán bộ huyện cũng đến góp vui. Một vài chén rượu ngô giữa cái lạnh căm căm của đêm miền sơn cước như làm ấm thêm tình cảm giữa những con người kiên cường bám trụ nơi xa xôi và nhiều gian khó của đất nước.
Sân vận động huyện Mù Cang Chải khá rộng là nơi diễn ra những sự kiện lớn của huyện… được chọn làm nơi để Tòa án “thăng đường”. Theo lãnh đạo TAND tỉnh Yên Bái, sở dĩ chọn địa điểm xét xử lưu động nơi này vì đây là trung tâm của huyện, nơi “điểm hẹn” của bà con các dân tộc mỗi dịp lễ, hội lớn, quan trọng.
Với sự chuẩn bị công phu, có sự phối hợp tốt của chính quyền và các cơ trong khối nội chính huyện Mù Cang Chải, tất cả các phiên tòa được đưa ra xét xử lưu động đều thành công tốt đẹp.
Giàng A Hử đã học hết lớp 12, được làm nhân viên bưu điện không phải không biết việc đốt nương nguy hiểm thế nào khi những cánh rừng được Nhà nước đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt... Hử rưng rung nước mắt khi nghe phân tích chính do chủ quan, không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát để lửa từ khu vực đốt dọn cỏ trên nương của mình đã cháy lan sang cánh rừng khác, gây thiệt hại về tài sản và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng…. Hảng A Chay là con nghiện đã được đưa đi cai nhưng bị rủ rê nên tái nghiện. Để có tiền mua thuốc, Chay nghe cái người Mông nó bảo muốn được hút thì đi mang hàng với nó, nhưng chưa kịp giao hàng thì bị bắt. Chay “cãi” rằng mua về cúng chứ không buôn bán, nhưng khi chủ tọa hỏi mua về cúng sao mua 4 đồng mà bán 7 đồng thì Chay im lặng. Bản án 7 năm tù đã tuyên là hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo dù đã áp dụng những tình tiết giảm nhẹ.
Những bản án nghiêm khắc nhưng nhân văn, thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, có tính đến yếu tố dân trí của người dân tộc thiểu số… được tuyên đã được sự đồng tình ủng hộ của bà con qua những tràng pháo tay. Những phân tích thấu tình đạt lý của các vị Thẩm phán chủ tọa, của Hội thẩm nhân dân đã đi vào lòng người dân tham dự phiên tòa như những lời cảnh tỉnh cho những ai còn có tư tưởng sai lệch, thậm chí chuẩn bị làm những việc phạm pháp; khuyên bảo họ cần tuân thủ pháp luật…
Cuộc đời làm báo đi nhiều, biết nhiều chuyện... nhưng với tôi, chắc chắn sẽ không thể nào quên được những phiên tòa lưu động như vậy, cũng là những cơ hội để ghi nhận và chia sẻ những vất vả của cán bộ Tòa án nơi vùng sâu, vùng xa. Và chính họ đã cho những người làm báo chúng tôi nguồn tư liệu, những chất liệu rất thực để có được những bài viết sinh động trong nhiệm vụ tuyên truyền cho hệ thống Tòa án nhân dân.