Đời sống

Tuyên truyền pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

L. Thái 22/09/2023 16:42

UBND tỉnh Sơn La giao Sở Tư pháp ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) để đáp ứng yêu cầu công tác.

can-bo-so-tu-phap-trao-doi-nghiep-vu-nang-cao-chat-luong-van-ban-dang-tai-tren-trang-thong-tin-pbgdpl.jpg
Cán bộ Sở Tư pháp trao đổi nghiệp vụ nâng cao chất lượng văn bản đăng tải trên trang thông tin PBGDPL

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tế. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân.

Ông Sòi Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Với vai trò được giao, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp tỉnh. Sở Tư pháp cũng ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để đáp ứng yêu cầu công tác.

Hiện nay, toàn tỉnh có 184 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 410 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.656 tuyên truyền viên cấp xã thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là những hạt nhân quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Với 3.250 người, thì có 2.183 báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số và 2.776 người biết tiếng dân tộc thiểu số. Về trình độ học vấn, 236 người có trình độ trên đại học, 2.490 người có trình độ đại học, 37 người có trình độ cao đẳng, trung cấp và 545 người có trình độ THPT. 100% đội ngũ báo cáo viên đã khai thác thông tin trên mạng internet và 80% xây dựng bài giảng bằng phương tiện điện tử.

Tuyên truyền viên pháp luật đã đi vào nề nếp

Tại huyện Sông Mã, cùng với việc kiện toàn về số lượng, hàng năm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tuyên truyền PBGDPL do tỉnh, huyện tổ chức. Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện, nói: Đến tháng 9/2023, huyện Sông Mã có 36 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 185 tuyên truyền viên cấp xã. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã đi vào nề nếp, trực tiếp tuyên truyền cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức truyền tải kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và nhân dân, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Còn tại huyện Quỳnh Nhai, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các xã rà soát, lập danh sách đề nghị công nhận báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và thủ tục miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật. Hiện nay, huyện có 34 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 140 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. 100% đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đều có phẩm chất chính trị vững vàng, gương mẫu trong việc chấp hành Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật; mở 3 hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật mới cho 628 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; 6 hội nghị tập huấn bồi dưỡng, kiến thức pháp luật cho 1.440 tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở... Nhờ đó, số lần báo cáo viên tham gia thực hiện công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng qua các năm.

Thực hiện nhiệm vụ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã chủ động linh hoạt, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, khu vực. Từ năm 2022 đến nay, các báo cáo viên, tuyên truyền viên đã tham gia gần 8.000 cuộc tuyên truyền PBGDPL, phát hành hơn 183.000 tài liệu phục vụ công tác PBGDPL; phát miễn phí gần 164.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật để nhân dân tự tìm hiểu.

Anh Lường Văn Thuận, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Tạ Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Là một tuyên truyền viên pháp luật bản thân luôn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các luật mới ban hành. Quá trình tuyên truyền thì tập trung nói những điều đơn giản để bà con tiếp nhận. Tại các buổi tuyên truyền trực tiếp tại nhà văn hóa, cụm dân cư bà con không ngần ngại đặt câu hỏi và tuyên truyền viên chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời. Ngoài ra, chúng tôi còn phát tờ rơi, tuyên truyền bằng loa kéo.

Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn còn kiêm nhiệm nên thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng thuyết trình; việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chưa được thường xuyên. Điều kiện cơ sở vật chất ở các xã nghèo, biên giới còn khó khăn phần nào ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí, tuyên truyền pháp luật đến cho nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu công việc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần tiếp tục nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng, cách giải quyết tình huống trong công tác tuyên truyền miệng, nhất là kỹ năng đối thoại, thông tin hai chiều.

Với những giải pháp cụ thể, sẽ góp phần củng cố, nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đây sẽ là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL đi vào thực chất và hiệu quả.

L. Thái