Cải cách tư pháp

"Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, kết nối trực tiếp trong hệ thống Tòa án"­

Mai Đỉnh - Trang Trần - Trần Sỹ 22/09/2023 18:01

Ngày 22/9, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc tháng 9, Chuyên đề "Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, kết nối trực tiếp trong hệ thống Tòa án", với sự kết nối từ điểm cầu trung tâm – TAND cấp cao tại Đà Nẵng với điểm cầu thành phần – TAND tỉnh Gia Lai, được truyền trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu TANDTC.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Bán cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSNDTC; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Lãnh đạo và Thẩm tra viên, Thư ký viên các đơn vị trực thuộc TANDTC cùng các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trực thuộc VKSNDTC.

Dự và theo dõi tại gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống gồm: Vụ Công tác phía Nam, Học viện Tòa án, TAND cấp cao, TAND địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã…), TAQS các cấp là Lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên trong toàn đơn vị và các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKS và một số công chức của các cơ quan tư pháp khác trên địa bàn.

hoi-nghi-truc-tuyen6.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị

Đột phá trong giải pháp và đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp

Hội nghị được xem là tập huấn nghiệp vụ trực tuyến để các đồng chí Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên và Điều tra viên toàn ngành cùng tham dự và góp ý rút kinh nghiệm. Đồng thời thực hiện việc trao đổi, rút kinh nghiệm từ điểm cầu trung tâm TAND cấp cao tại Đà Nẵng với hệ thống Tòa án trong toàn quốc với sự tham của VKS cũng bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, thời gian qua, cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mang tính đột phá, công tác xét xử của TAND đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Một trong các giải pháp đột phá, hữu hiệu đó chính là việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án; đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ

hoi-nghi-truc-tuyen2.jpg
Hội nghị với chuyên đề "Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, kết nối trực tiếp trong hệ thống Tòa án".­

Theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, hằng năm, Tòa án các cấp đã tổ chức được hàng chục nghìn phiên tòa rút kinh nghiệm; qua đó, giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.

Bên cạnh đó, sự phát triển rất nhanh của CNTT đã mang lại nhiều cơ hội, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của công nghệ số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án, trong đó phải kể đến thành tích nổi bật là việc chúng ta đã chủ động đề xuất, được Quốc hội thông qua và cho tổ chức thi hành Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ cho rằng: “Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các Tòa án đã chứng minh hiệu quả của phương thức tổ chức xét xử mới này, là xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm thời gian và chi phí xã hội; nâng cao năng lực giải quyết, xét xử của Tòa án; bảo đảm hoạt động tư pháp từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu hướng, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử”.

hoi-nghi-truc-tuyen4.jpg
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC phát biểu khai mạc hội nghị.

Sự kết hợp giữa hai giải pháp đột phá là phiên tòa trực tuyến và phiên tòa rút kinh nghiệm

Qua đánh giá năng lực thực tiễn, Chánh án TANDTC đã chọn TAND cấp cao tại Đà Nẵng thực hiện việc xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến kết nối hệ thống TAND và VKS toàn hệ thống trong cả nước và là bước đột phá áp dụng phiên tòa rút kinh nghiệm thông qua hình thức trực tuyến cho TAND trong cả nước.

Theo đó, tại hội nghị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi” tại tỉnh Gia Lai. Vụ án do TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm có kháng cáo.

Vụ án do Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường làm chủ tọa và Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần thực hiện quyền công tố phiên tòa.

hoi-nghi-truc-tuyen3.jpg
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại hội nghị

Rút kinh nghiệm sau phiên xét xử, đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng bày tỏ: “Đây là nhiệm vụ mới, công việc mới, với nhiều thử thách khó khăn nhưng với sự vào cuộc hết sức quyết tâm và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động TAND cấp cao tại Đà Nẵng, phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm toàn quốc mà đơn vị được giao chủ trì thự hiện đã thành công”.

Nhiều tài liệu, chứng cứ đã được số hóa, truyền tải trên các thiết bị điện tử, một số hoạt động tố tụng đã được thực hiện trên không gian mạng, tạo điều kiện cho người tiến hành tố tụng và cả người tham gia tố tụng tiếp cận vụ án một cách thuận lợi và bình đẳng.

Đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng

Các ý kiến đều đánh giá phiên tòa diễn ra trang nghiêm. Quá trình tố tụng tại phiên tòa, Thẩm phán Chủ tọa và HĐXX đã phổ biến và bảo đảm cho bị cáo, bị hại… thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định. Những người được triệu tập đến phiên tòa đều được Chủ tọa hỏi để làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất.

hoi-nghi-truc-tuyen1.jpg
Mở phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án

Với sự kết hợp giữa hai giải pháp đột phá là phiên tòa trực tuyến và phiên tòa rút kinh nghiệm, cộng với đó các tình tiết của vụ án cũng khá thú vị nên video về phiên tòa này hoàn toàn có thể trở thành tài liệu để các cơ sở đào tạo luật sử dụng trong thời gian giảng dạy, đặc biệt là Học viên Tòa án.

Tham gia phát biểu tại phần rút kinh nghiệm, đồng chí Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đánh giá rất cao việc chuẩn bị và đưa ra xét xử trực tuyến. TAND cấp cao đã triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên, Giám định viên chứng tỏ đã dự liệu được tình huống của phiên tòa; các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bị hại đi sâu vào việc xem xét tính hợp pháp của trưng cầu giám định và kết quả giám định.

hoi-nghi-truc-tuyen12.jpg
Đồng chí Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường làm chủ tọa và đồng chí Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần thực hiện quyền công tố phiên tòa.

“Chúng tôi thấy công tác chuẩn bị và triệu tập các đơn vị này là rất cần thiết, thực tế diễn biến của phiên tòa tranh luận mấu chốt của vụ án này là xung quanh việc độ tuổi của người bị hại và liên quan đến hoạt động điều tra, các biện pháp tiến hành điều tra, việc trưng cầu giám định và kết luận giám định" - đồng chí Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đánh giá.

Về điều hành phiên tòa của HĐXX mạch lạc, rõ ràng đúng quy định pháp luật và phát huy được tính dân chủ theo quy định cải cách tư pháp. Tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội đã được trình bày và tranh tụng một cách công khai dân chủ. Việc xét hỏi đã được HĐXX thực hiện đúng quy định có trọng tâm, đã làm rõ vấn đề còn chưa rõ trong vụ án, không xét hỏi những vấn đề đã rõ ràng, không xét hỏi trùng lặp.

Đồng chí Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

hoi-nghi-truc-tuyen9.jpg
Phiên tòa được truyền trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trên toàn Hệ thống.

Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng có nhận xét, đánh giá thêm về các Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã làm đúng chức trách nhiệm vụ của một Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đã làm rõ và tham gia xét hỏi những vấn đề còn mâu thuẫn, những vấn đề chưa rõ, vấn đề mà HĐXX chưa hỏi để giúp cho HĐXX có cách nhìn nhận khách quan toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong quá trình kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh việc xét hỏi trực tiếp của luật sư đối với Giám định viên, Điều tra viên… đây là việc làm thể hiện vai trò trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc thực hiện kiểm sát hoạt động xét xử.

Về đối đáp dưới sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên đã đối đáp đầy đủ đến cùng từng vấn đề mà người bào chữa đặt ra và những đối đáp của Kiểm sát viên có căn cứ giúp cho HĐXX có cách nhìn khách quan toàn diện trong quá trình xét xử vụ án. Việc xét xử trực tuyến rất có hiệu quả và đề nghị cấp có thẩm quyền cần nhân rộng trong thời gian sắp tới.

hoi-nghi-truc-tuyen11.jpg
Đồng chí Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đánh giá cao phiên tòa trực tuyến hôm nay (22/9).

Nhiều bài học thực tiễn được rút ra

Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao 2 cơ quan TAND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan đã phối hợp, thực hiện phiên xét xử một cách chất lượng và hiệu quả.

"Qua phiên xét xử này chúng ta rút được các bài học như: bài học về công tác chuẩn bị, tổ chức tranh tụng, về điều hành phiên tòa, sư phối hợp giữa VKS và Tòa án, giữa công tố và xét xử, áp dụng pháp luật cùng các hoạt động tố tung khác…; thắt chặt hơn mối quan hệ giữa hai cơ quan công tố và xét xử".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và nhấn mạnh

Cho rằng thành công cả về tổ chức lẫn bài học, qua buổi thực tiễn phiên xét xử này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Tòa án và VKS các cấp, tiếp tục ngồi lại với nhau ngay tại đơn vị của mình để cùng bàn thảo đưa ra những gì đã và chưa đạt trong phiên xét xử này, qua đó tự tạo ra bài học cho chính mình.

hoi-nghi-truc-tuyen10.jpg
Lãnh đạo hai đơn vị TAND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng và chụp hình lưu niệm sau phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm.

Chánh án lưu ý và cho rằng đây là phiên tòa đầu tiên, là phiên tòa mẫu, nên các đơn vị cần tiếp tục tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhiều hơn, thực chất hơn trong tương lai, với các quy mô khác nhau và tùy theo các cấp Tòa án.

“Không có con đường bồi dưỡng nào hiệu quả, thực chất và tiết kiệm bằng qua thực tiễn xét xử, cũng như qua các phiên tòa", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định về nâng cao năng lực xét xử hiện nay.

Qua đây, để tiếp tục lan tỏa các bài học, Chánh án cũng mong muốn các đồng chí thuộc các đơn vị tham gia hội nghị hôm nay sẽ có những bài viết chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm của bản thân và những vấn đề được và chưa được của phiên xét xử này đăng tải trên các ấn phẩm truyền thông của Tòa án và VKS.

Nội dung vụ án: Khoảng tháng 10/2021, Phan Ngọc Đức qua Campuchia làm việc cho sòng bài nhưng vì đánh nhau nên người quản lý đã yêu cầu phải gọi điện thoại cho gia đình gửi tiền chuộc qua.

Một tháng sau (20/11/2021), Trần Quang Quyết bị lừa bán vào công ty game 8KBET, sau đó công ty này cũng yêu cầu Quyết gửi tiền chuộc.

hoi-nghi-truc-tuyen8.jpg
Hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ở điểm cầu thành phần TAND tỉnh Gia Lai.

Ngày 18/6/2022, Quyết sử sụng tài khoản Facebook mang tên “Bin Trần”, kết bạn với tài khoản Facebook mang tên “Lạc Đường” của Cầm Bá Sáu (SN 1995, trú tại xã Ia O). Sau khi kết bạn, Quyết đưa ra thông tin gian dối muốn tuyển Sáu đi làm cho công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh với mức lương từ 18-20 triệu đồng/tháng nhưng bị Sáu từ chối. Sau đó, Quyết lại nhờ Sáu tìm người giới thiệu cho mình nếu giới thiệu được công ty sẽ trả hoa hồng với số tiền 1 triệu đồng/người.

Thấy được trả lương cao và tin tưởng những lời nói đó là thật, nên Sáu đã gặp Puih Đại trú cùng làng kể lại toàn bộ nội dung trên. Đại rủ thêm 4 người ở cùng làng là Puih Chiêu, Puih Môi, Puih Phú, Ksor Juội đi làm thì nhận được sự đồng ý.

Quyết thuê 1 chiếc xe để chở nhóm người của Đại vào TP. Hồ Chí Minh gặp Nghĩa (không rõ lai lịch) liên lạc qua Zalo cho Đức, rồi kết nối để cả 2 nói chuyện và thương lượng về giá cả.

Đức thỏa thuận trả cho Quyết số tiền 700USD/người, đưa trước 23 triệu đồng còn lại sẽ chuyển tiếp khi bán được nhóm người của Đại sang Capuchia.

Sau khi nhận người, Đức đưa nhóm của Đại đi ngay đến công ty Verus giao cho quản lý (không rõ nhân thân lai lịch) và lấy 10.000USD. Trong thời gian này, ở quê nhà xã Ia O, Puih Thái và Ksor Liẽc khi hay tin nhóm của Đại đi làm cho công ty vi tính ở TP. Hồ Chí Minh được trả lương cao nên cũng nhờ Sáu liên hệ giúp.

Quyết và Đức phối hợp với nhau rồi thuê Phong tiếp tục đưa 2 người này qua Campuchia. Trong số 7 nạn nhân, Puih Phú là người chưa đủ 16 tuổi.

Cấp sơ thẩm TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Trần Quang Quyết 15 năm tù về tội “Mua bán người”, 14 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” tổng hình phạt 29 năm tù và Phan Ngọc Đức 15 năm tù về tội “Mua bán người”, 13 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” tổng hình phạt 28 năm tù.

Sau khi bản án được tuyên, cả hai bị cáo đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó bị cáo Đức đề nghị xem xét đối với tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Tại phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm hôm nay (22/9), HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của các bị cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm. Theo đó tuyên phạt bị cáo Quyết 13 năm về tội “Mua bán người” và 11 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt 24 năm tù. Bị cáo Đức 13 năm tù về tội “Mua bán người” và 10 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tổng hợp hình phạt 23 năm tù.

Mai Đỉnh - Trang Trần - Trần Sỹ