Hà Giang: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế
Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 nhiệm vụ đột phá để Hà Giang phát triển kinh tế, xã hội mà Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vạch ra. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện tốt ba mục tiêu đột phá, trong đó hạ tầng giao thông có ý nghĩa quyết định khi “đường thông- kinh tế mở”.
Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 22/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định rõ: “Hệ thống giao thông của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”. Với vai trò, vị trí là tỉnh biên giới, nơi địa đầu của cực Bắc, trong suốt nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang luôn được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm, nâng cấp đầu tư hạ tầng. Trong đó giao thông trong nửa đầu nhiệm kỳ qua được đặc biệt quan tâm khi sự kiện cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang chính thức khởi công. Đây được xem là công trình có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội Hà Giang. Cú hích đưa Hà Giang lên một tầm cao mới khi “thông đường kinh tế mở”.
Để thực hiện nhiệm vụ đột phá trên, ngày 22/12/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 22 về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang với chiều dài 27,48 km, quy mô 2 làn xe (giải phóng mặt bằng 4 làn xe), bề rộng nền đường 12 m, tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng; hoàn thành nâng cấp, cải tạo, đưa vào sử dụng Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) với xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quốc lộ 2 đoạn cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Giang. Cùng với đó, các tuyến Quốc lộ 4C, 280, 34, đường đi Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và 7 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, cải tạo cơ bản đạt cấp IV, V miền núi.
Để tiếp tục phát triển hạ tầng, nâng cấp công trình Ngày 22/9, tỉnh Hà Giang mở rộng Quốc lộ 2 và xây dựng cầu mới nối Quốc lộ 2 với đường vành đai phía Nam thành phố Hà Giang thuộc Dự án Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – Tiểu dự án tại Hà Giang.
Công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 và xây dựng cầu mới nối Quốc lộ 2 với đường vành đai phía Nam thành phố là 1 trong 8 hạng mục công trình thuộc Dự án Phát triển các đô thị loại II - Tiểu dự án tại Hà Giang được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, do Ban Điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh (CPRP) làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 là 1,2 km; điểm đầu tuyến km00+00 (lý trình dự án), tương ứng lý trình km285+995, Quốc lộ 2; điểm cuối km1+225,52m (lý trình dự án) tại cầu Mè. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang của đường 25m, bố trí 4 làn xe cơ giới. Phần cầu kết nối Quốc lộ 2 với đường vành đai phía Nam thành phố là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 129m, chiều rộng 18m. Cầu có kết hợp hệ trụ tháp, dây văng, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật và đường dẫn đầu cầu. Công trình do Liên danh Công ty Cổ phần 471 và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công với giá trúng thầu 152,5 tỷ đồng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Công trình là kết cấu hạ tầng giao thông đô thị quan trọng, vừa mở rộng tuyến đường giao thông huyết mạch tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố Hà Giang; vừa kết nối hai bờ sông Lô, phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai phía Nam, mở rộng không gian phát triển đô thị. Cùng với Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 26/3, Đập dâng nước sông Lô, Công viên cây xanh, công trình sẽ tạo thành hệ thống các điểm nhấn đô thị, mang lại diện mạo mới, xanh - bản sắc - hiện đại cho thành phố Hà Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý nghĩa của công trình cũng như nỗ lực của chủ đầu tư, sự hỗ trợ của các sở, ngành và bà con nhân dân trong vùng dự án. Đồng thời đề nghị, chủ đầu tư phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công; chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, đầu tư, xây dựng, quản lý chi phí đầu tư, quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình. UBND thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư chủ động họp bàn, kịp thời tháo gỡ các vấn đề phát sinh, không để xảy ra ách tắc, chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát công tác đầu tư xây dựng. Nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tổ chức thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ; có phương án đảm bảo an toàn về người và các phương tiện tham gia giao thông...