Để người lao động tự nguyện tiếp tục đóng BHXH
Nhiều ý kiến trái chiều về phương án đề xuất điều chỉnh chính sách hưởng BHXH 1 lần khi mức hưởng có thể giảm đi, kéo theo nguy cơ giảm mức độ hấp dẫn của BHXH.
Dễ dàng từ bỏ an sinh khi rút BHXH
BHXH Việt Nam đang đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hưởng BHXH 1 lần, đó là: chỉ được rút khoản đóng góp của người lao động (8%) và nếu rút bảo hiểm thì chỉ được hưởng gần 1 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH… thấp hơn so với mức hiện nay. Đề xuất này đang có nhiều ý kiến trái chiều. Và liệu điều này có càng làm giảm mức độ hấp dẫn của BHXH hay không? bởi thực tế cho thấy: nếu như năm 2016, số lượng người rút BHXH một lần chỉ có hơn 500.000 người, thì đến năm ngoái, con số này đã lên tới hơn 863.000 người.
Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch COVID-19, số người hưởng chế độ BHXH một lần... cao hơn rất nhiều so với số đối tượng phát triển được thêm. Cứ 100 người rút BHXH 1 lần thì chỉ có chưa đến 4 người tái đóng BHXH... hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.
Hiện nay, người LĐ chỉ phải đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương đương mỗi năm họ chỉ phải đóng gần 1 tháng lương, trong khi rút BHXH 1 lần lại được hưởng 2 tháng lương cho thời gian tham gia.
BHXH Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hưởng BHXH 1 lần, đó là: chỉ được rút khoản đóng góp của người lao động (8%) và nếu rút bảo hiểm thì chỉ được hưởng gần 1 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH, trừ trường hợp NLĐ bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc chuyển ra nước ngoài định cư… Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều
Phản ứng trái chiều trước đề xuất mức rút BHXH 1 lần chỉ 8%
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đã nhận được các ý kiến đề xuất về phương án nhận rút BHXH một lần. Theo đó, người lao động được rút phần mình đã đóng là 8%, phần của người sử dụng lao động 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Tức là 14% này sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Các ý kiến cũng cho rằng giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động trong quỹ BHXH là có lợi cho người lao động, chứ không phải tốt cho quỹ. Nếu khoản tiền đó được để lại thì sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp xã hội (hiện nay là 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi....
Đại diện tổ chức công đoàn thì cho rằng cần tôn trọng nguyện vọng tâm tư của người lao động. Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ tiền đóng vào quỹ BHXH dù là phần đóng góp của lao động hay chủ sử dụng đều là tiền của người lao động. Do đó, họ có quyền quyết định rút ra hay để lại quỹ. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người lao động không rút 1 lần và chờ hưởng lương hưu để đảm bảo tuổi già không phụ thuộc con cháu, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Sẽ còn rất nhiều ý kiến khác nhau về việc rút BHXH 1 lần ở mức nào, hoàn cảnh nào... là phù hợp. Nhưng khi về già mà vẫn phải nhờ cậy hay không có tiền tích cóp, khi có chuyện phải nhờ con cái hoặc vay mượn thì sẽ gây ra nhiều phiền toái.
Để có một tài chính chủ động khi về già, tránh được các rủi ro khi người lao động không còn sức khỏe để tạo ra thu nhập thì việc đóng BHXH để có hưu trí là kế hoạch tốt cho mỗi cá nhân và người lao động. Chỉ khi nào đối mặt với sự trì trệ của tuổi già, chúng ta mới thấy giá trị của khoản an sinh này. Và khi đó, mới tránh được gánh nặng cho con cái và gánh nặng cho xã hội.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.