Hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần
Số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng người thất nghiệp gia tăng.
Năm 2020, theo thống kê của BHXH Việt Nam, có hơn 860.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65% so với năm 2019. Năm 2021, con số tiếp tục gia tăng với hơn 960.000 người, tăng hơn 11% so với năm 2020.
Đầu năm nay, tính riêng trong quý I, cả nước đã có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đến nửa cuối năm nay, số lượng người rút BHXH bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng khá chậm.
Thực tế đòi hỏi cơ quan BHXH trên cả nước phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tuyên truyền, tránh tình trạng người dân ồ ạt rút ra khỏi hệ thống an sinh.
Đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần: Cần cẩn trọng
Có thể thấy, để nhanh chóng kéo giảm số lượng người rút BHXH 1 lần là việc không hề dễ dàng. 50 người mới thuyết phục được 1 người, đó là con số mà chuyên viên BHXH trong phóng sự vừa rồi đã đưa ra khi nói về sự khó khăn trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh sự nỗ lực từ cơ quan BHXH địa phương, việc điều chỉnh các quy định, chính sách cũng được tính đến.
Đề xuất giảm mức hưởng khi người lao động rút BHXH 1 lần - cũng đã nhiều lần được đề cập đến. Mới đây nhất, trong tháng 10 này, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp 1 lần khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp 1 lần bằng đúng số tiền người lao động đóng vào quỹ. Phần của người sử dụng lao động sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Ý kiến xung quanh đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần
Liên quan đến đề xuất này, một số chuyên gia cho rằng: đây có thể là phương án tốt cho người lao động. Khoản tiền giữ lại, phần đóng góp của người sử dụng lao động là cơ hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm sau này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng: việc điều chỉnh mức hưởng BHXH 1 lần cần cẩn trọng, tránh hiệu ứng ngược.
Theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cần xác định rõ nguyên nhân chính khi người lao động rút BHXH một lần - là công việc, cuộc sống của họ gặp khó khăn. Về dài hạn, những giải pháp đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động mới đem đến những kết quả bền vững.
Tháo gỡ khó khăn thu hút người tham gia BHXH
Tính đến hết tháng 5/2022, tổng số người tham gia BHXH cả nước là trên 16,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 33,81% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 507.000 người so với cùng kỳ năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng khả quan nhưng cần lưu tâm khi Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề về an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Trong lúc chờ đợi sự điều chỉnh các chính sách để giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, thì việc phát triển BHXH, đặc biệt là nhóm đối tượng BHXH tự nguyện, mở rộng mạng lưới an sinh vẫn cần được đẩy mạnh.