Phóng sự - Ghi chép

Tiếng đàn trên phum sóc Khmer

T.Thanh 22/09/2023 09:25

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, trong cuộc va đập với thị trường giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống của người Khmer bị phai nhạt ít nhiều. Nhưng rất may, dân tộc này vẫn còn có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ trăn trở với những “di sản văn hóa” cha ông để lại, thế nên vào mỗi dịp hội hè hay lễ tết, lời ca, tiếng đàn, tiếng trống vẫn còn vang lên trên mỗi phum sóc Khmer.

Miệt mài truyền lửa

Từ bao đời nay, âm nhạc nói riêng và các loại hình nghệ thuật khác nói chung đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và người Khmer nói chung. Hầu như ở tất cả các dịp tết hay lễ hội của dân tộc này đều có sự xuất hiện của các dàn nhạc cùng với các điệu dân ca dân vũ.

Trong các loại hình nghệ thuật đó, nhạc ngũ âm là một trong những loại hình gắn bó mật thiết nhất với cuộc sống của người dân Khmer. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Hơn nữa, nó còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc, trong các phum sóc dập dềnh trên kênh rạch miền Tây.

img_1695289372335_1695314046464.jpg
Nghệ nhân Danh Sol biểu diễn tại chùa Chrôy Tưm Kandal.

Trong mỗi nhịp đàn hay điệu múa Khmer luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm nghị lực và hy vọng về một ngày mai tươi đẹp.

Sinh ra, lớn lên và được tắm mình trong cái không gian văn hóa linh thiêng, tối cổ ấy, ngay từ khi còn nhở, âm nhạc đã ngấm vào Danh Sol như định mệnh. Cũng như bao cậu thiếu niên người Khmer khác, từ khi lên 8 tuổi, Danh Sol đã bắt đầu vào chùa Chrôy Tưm Kandal làm chú tiểu học chữ và thỉnh thoảng xách cà mèn cho sư sãi đi khất thực.

Nhưng khác với chúng bạn cùng độ tuổi, Danh Sol không mê chơi, mê ngủ, mà mê... nhạc. Cậu bé hầu như không bao giờ vắng mặt trong mỗi đêm hòa tấu nhạc ngũ âm của các cụ trong chùa. Mỗi lần thấy các cụ vừa buông tay đàn thì cậu lại nằn nì xin gõ thử...

Cứ thế, tháng này qua năm khác, cộng với sự chỉ dẫn tận tình của những nghệ nhân đi trước, đôi tay gõ nhạc của Danh Sol ngày càng thêm thành thục. Những giai âm cũng ngấm dần vào cậu bé Khmer như máu nóng chảy dưới da mềm.

Do ham học hỏi lại cần cù chịu khó nên khi mới 14 tuổi, Danh Sol đã trở thành “nhạc công” trẻ nhất của Đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal. Cũng tại chùa này, đến năm 16 tuổi, cậu bé được mẹ đưa đi tu hành theo phong tục truyền thống của người Khmer. Sau 2 năm tu hành, Danh Sol hoàn tục, rồi tiếp tục theo đội nhạc của chùa đi phục vụ khắp trong và ngoài tỉnh.

Theo thời gian, những “đồng nghiệp” của Danh Sol cũng già và mất đi, Đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal dần tan rã, không còn hoạt động. Tiếc nuối những gì mình đã học được, ông lại tìm đến các đoàn nghệ thuật quần chúng quanh vùng để được tiếp tục biểu diễn và thỏa với đam mê.

Sau nhiều năm bôn ba chơi nhạc khắp “Lục tỉnh Nam kỳ”, Danh Sol quay trở về chùa Chrôy Tum KanDal và xin với trụ trì cho mình lập lại đội nhạc. Rất may là trụ trì đồng ý. Thế nhưng, vạn sự khởi đầu nan.

img_1695289394386_1695314050568.jpg
Nghệ nhân Thạch Duyên (thứ hai, từ trái sang) đang tập đàn cùng anh em trong Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau

Thời điểm mới được thành lập, đội nhạc của chùa gặp phải vô vàn khó khăn. Danh Sol phải đi đến từng nhà những người có khả năng chơi nhạc để vận động họ tham gia. Mãi mới gom đủ 7 người, thế là đội nhạc chính thức đi vào hoạt động.

Do cơ sở vật chất thiếu thốn, anh em từ khắp nơi tụ họp về, trình độ lại hạn chế, để có thể dàn dựng được mỗi tiết mục đầu tiên, cả đội đã phải cố gắng rất nhiều.

Khó khăn là vậy, nhưng cùng với sự chung sức chung lòng của các thành viên, nhất là sự kỳ vọng của cộng đồng, đội đã nhanh chóng trưởng thành và gây được tiếng vang không chỉ ở địa phương, góp phần khơi dậy và phát huy những giá trị nền văn hoá cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer quanh vùng.

Trong suốt những năm tháng đi biểu diễn, Danh Sol nhiều lần phải tiếc nuối khi chứng kiến nhiều loại nhạc cụ của dân tộc mình bị bỏ quên trong nhà kho của các ngôi chùa. Từ bấy giờ ông bắt đầu học cách để sửa chữa, khôi phục, gom lại “những giọt văn hóa” quý báu của tổ tiên. Không chỉ vậy, ông còn dành rất nhiều thời gian để truyền dạy cách chơi nhạc ngũ âm cho lớp trẻ.

Miệt mài truyền lửa, giữ nghề suốt mấy chục năm như thế nên trong giới nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng, khi nhắc đến Danh Sol thì hầu như ai cũng biết và dành cho ông sự nể trọng, cả ở trình độ chuyên môn lẫn trong cách đối nhân xử thế. Ngày 8/3/2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Phần thưởng quý giá đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với người nghệ sỹ tài ba của phum sóc Đại Tâm. Âu đó cũng là “quả ngọt” mà ông xứng đáng được hưởng sau dằng dặc đời người vì văn hóa Khmer.

Trăn trở bảo tồn

Cũng giống như Danh Sol, cũng chỉ vì trăn trở trước những giá trị văn hóa cổ của tổ tiên, suốt nhiều năm qua, Nghệ nhân Thạch Duyên – Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau – đã dày công sưu tầm các nhạc cụ, các thư tịch cổ ghi lại những lời ca, điệu múa của dân tộc Khmer bị bỏ quên trong mỗi ngôi nhà hay ngôi chùa khắp miệt vườn sông nước.

Ngoài ra, ông còn lặn lội đến từng xóm ấp của người Khmer vùng Tây Nam Bộ để tuyển lựa những em có năng khiếu nghệ thuật để đưa về đào tạo. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy, ông đã và đang góp phần làm hồi sinh nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa Khmer truyền thống, giúp nó không bị lãng phai đi.

Sinh ra tại Trà Vinh, thuở thiếu niên, như bao chàng trai Khmer khác, Thạch Duyên xuống tóc vào chùa tu tập, học đạo làm người để trả hiếu ông bà, cha mẹ. Khi vừa tròn 20 tuổi, ông về đầu quân cho Đoàn nghệ thuật Samaky của tỉnh Minh Hải, sử dụng thuần thục các ngón đàn như dàn nhạc ngũ âm, đàn Ta Kê, đàn Khưm và hàng trăm điệu hát...

Sau khi tỉnh được chia tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Thạch Duyên do còn vướng bận gia đình đành gác lại giấc mơ nghệ thuật dở dang để ở lại Cà Mau quê vợ, khai luồng mở lạch, vật đất để làm đìa nuôi tôm sú.

Vất vả sinh cơ là một lẽ, nhưng Thạch Duyên càng rầu ruột hơn khi thấy bạn bè theo Đoàn Samaky về Bạc Liêu ngày một tiến xa trong nghề. Vậy là ông cùng vợ tập hợp những người đam mê ca hát lập ra nhóm văn nghệ Khmer để tham gia phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Nghệ nhân Thạch Duyên kể, năm 2007, ông về “đầu quân” cho Đội Thông tin – văn nghệ Khmer được tỉnh Cà Mau. Ngoài thời gian tập luyện, biểu diễn, ông cùng anh em trong Đội tìm đến các thôn ấp của người Khmer vùng Tây Nam Bộ để tuyển lựa những em có năng khiếu nghệ thuật để đưa về đào tạo và sưu tầm các nhạc cụ, các thư tịch cổ ghi lại các bài hát, tích trò bị bỏ quên trong mỗi ngôi nhà, trong các ngôi chùa Khmer.

Cũng theo Thạch Duyên thì nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Khmer có rất nhiều loại và được kết cấu thành nhiều dàn nhạc khác nhau như: dàn nhạc Khmer (Plêng Khmer), dàn nhạc Dù kê (Plêng lakhon Bassak), dàn nhạc Ro bam, dàn nhạc ngũ âm (Plêng Pưn pet), dàn nhạc lễ cưới (Plêng ka), dàn nhạc Mahôri, dàn nhạc A-Reat, dàn nhạc Khlon Khech, dàn nhạc trống Chhay Dzăm, dàn nhạc trống lớn (Plêng Skô Thum)… Tuỳ theo cuộc lễ mà người Khmer lựa chọn sử dụng dàn nhạc với các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn.

Người Khmer Cà Mau thường sử dụng dàn nhạc trống lớn trong các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ nhập hạ và ra hạ của các vị sư, lễ khánh thành ngôi tháp, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Ðôlta, lễ vào chùa tu, Pithi chol A-Reat (lễ mời thần A-Reat), Neak ta, lễ cầu an trong salatel hoặc ở ngôi chùa… Nhìn chung, các nghi lễ, lễ hội lớn đều được sử dụng dàn nhạc trống lớn, đặc biệt là trong tang lễ.

Thế nhưng, trong một vài năm trở lại đây, làn gió mới của các loại hình âm nhạc, giải trí hiện đại đã ùa vào các thôn ấp vốn rất yên bình của người Khmer đã phần nào lấy đi những vốn văn hóa truyền thống được nhiều đời truyền giữ.

Không đành lòng nhìn các giá trị văn hóa cổ của cha ông bị lãng quên, Thạch Duyên không nề hà mỗi khi được bạn bè khắp nơi mời đến để truyền dạy âm nhạc và các điệu múa, lời hát mà ông đã kỳ công sưu tầm, biên soạn trong hành trang âm nhạc hơn 40 năm của đời mình. Dẫu thù lao cho cả tuần dạy lắm khi chỉ là những lời cảm ơn và cái bắt tay thật chặt, ông cũng vui lòng.

Rồi niềm vui đến với Thạch Duyên và anh em nghệ sỹ trong Đội Thông tin - Văn nghệ Khmer nói riêng và bà con đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau nói chung, đó là khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Ðề án “Nâng cấp Ðội Thông tin - Văn nghệ Khmer thành Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau”.

Kể từ đó, Thạch Duyên cùng với anh em nghệ sỹ không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn mang đến những tiết mục, vở diễn ấn tượng trong lòng khán giả. Những tiết mục, vở diễn ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh đối với đông đảo quần chúng nhân dân.

T.Thanh