Cái giá của "quyền lực ảo"
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm đã khép lại ngày hôm qua. Với 3 năm tù, bà Hằng phải trả giá quá đắt sau những phút lên đồng trên mạng xã hội.
Ngoài vai trò là người chủ mưu trong vụ án như cơ quan tố tụng đã xác định thì có lẽ Nguyễn Phương Hằng còn là nạn nhân của cái gọi là ảo ảnh hào quang trên mạng xã hội, hay nôm na là thứ quyền lực ảo thường dễ mê hoặc con người.
Quay trở lại với khoảng thời gian 2 năm trước, cứ sau mỗi bữa tối, không ít người lại “lót dép” hóng bà Hằng livestream. Sự háo hức chờ đợi của họ còn hơn cả chờ xem những bộ phim truyền hình ăn khách phát sóng lúc cùng giờ.
Vì sao họ chờ đợi bà Hằng? Bởi họ muốn xem hôm nay bà sẽ chửi ai? Chửi như thế nào? Và bà cung cấp chuyện “thâm cung bí sử” gì của những người mà bà đã quen chỉ mặt đặt tên?
Thực tế thì những “bí mật” mà bà Hằng nói đều là những chuyện bà “nghe hơi nồi chõ”, lượm lặt đó đây mà chính bà cũng chẳng tường minh thật, giả. Dưới sự tung hô của cộng đồng mạng, bà Hằng cứ như lên đồng, cuồng ngôn chửi hết người này qua người khác, bới móc, xúc phạm chuyện đời tư cá nhân.
Cũng không ít người coi bà Hằng như idol (thần tượng) của họ. Họ bảo, họ thích nghe bà chửi vì “khoái cái lỗ nhĩ”. Ấy thế là ba máu sáu cơn bà Hằng càng chửi càng hăng. Hăng đến nỗi bà bỏ ngoài tai cả lời can gián của chồng.
Điều này được chính bà Hằng thừa nhận tại phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử hỏi rằng, chồng bà có biết việc bà livestream xúc phạm người khác hay không, bà Hằng bảo có biết, có can nhưng bà không nghe.
Từ một nữ doanh nhân giàu có bà Hằng bị bắt rồi bị truy tố, đưa ra xét xử vì cái tội mà lẽ ra người sang trọng, quý phái như bà không đáng mắc phải. Và cũng như vô vàn những bị cáo khác khi đứng trước công lý, bà Hằng nhận sai, thấy ân hận vì những việc mình làm. Hẳn là ai cũng biết, ân hận lúc này chẳng cứu vãn được gì!
Bà Hằng phân trần, bà chỉ biết sai khi cơ quan công an khởi tố, tạm giam. Nhưng theo người viết thì đó chỉ là một phần. Phải chăng khi ấy bà đã thoát khỏi cái ảo ảnh hào quang, thoát khỏi những lời tung hô “chị Hằng mãi đỉnh” và cả những lời chửi bới của không ít người dành cho bà.
Và bà cũng cay đắng thốt lên “tôi phải trả giá quá đắt với 18 tháng tạm giam”. Nhưng cái giá ấy đâu đã đủ, bởi bà còn phải nhận cái giá đắt hơn nữa là 3 năm tù của bản án sơ thẩm dù pháp luật đã xem xét hết thảy những tình tiết giảm nhẹ của bà.
Pháp luật thượng tôn không chỉ xử bà Hằng xúc phạm người khác mà những người xúc phạm bà Hằng cũng phải lãnh hậu quả trong phiên tòa sắp tới. Điều đó cho thấy, con người sống trong xã hội là bình đẳng, pháp luật bảo vệ tuyệt đối về quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân. Không ai được tự cho mình cái quyền cao hơn pháp luật, được chà đạp lên danh dự, nhân phẩm của người khác, bất kỳ đó là ông vương hay bà tướng nào.
Bài học đắng đót của bà Phương Hằng hi vọng cũng là bài học của hàng triệu người đang dùng mạng xã hội. Khi chúng ta bị những quyền lực ảo ấy chi phối, chỉ một lời nói, một comment trong trạng thái “tay nhanh hơn não” và bị cái quyền năng ảo ấy dẫn dắt thì có thể phải trả cái giá rất đắt.