Việt Nam “thăng” 4 bậc trong bộ Chỉ số Tự do Kinh tế
Theo Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới do Viện Fraser của Canada, Việt Nam đã tăng được 4 bậc, xếp thứ 106/165 quốc gia trong bộ Chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Index).
Với thứ hạng 106, Việt Nam đã tăng được 4 bậc so với xếp hạng năm 2020, mức tăng tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khác. Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023 của Viện Fraser xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong bảng xếp hạng, khu vực Đông Nam Á có Singapore xếp thứ nhất (tăng 1 bậc); Malaysia xếp thứ 56 (giảm 3 bậc); Thái Lan xếp thứ 64 (tăng 8 bậc); Philippines xếp thứ 70 (giảm 3 bậc); Indonesia xếp thứ 74 (tăng 1 bậc); Campuchia xếp thứ 78 (giảm 3 bậc); Lào xếp thứ 107 (tăng 1 bậc).
So với xếp hạng năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng điểm ở 4 trong 5 chỉ số thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế (thang điểm từ 1 đến 10, trong đó giá trị cao hơn cho thấy mức độ tự do kinh tế cao hơn). 5 chỉ số bao gồm:
1. Quy mô chính phủ (xếp thứ 83): là chỉ số thành phần duy nhất giảm điểm nhẹ từ 6,56 xuống 6,53.
2. Hệ thống pháp luật và quyền tài sản (xếp thứ 77): tăng từ 4,96 lên 5,15. Đây là năm đầu tiên, điểm số của chỉ số thành phần này của Việt Nam tăng trên 5 điểm.
3. Đồng tiền tốt (xếp thứ 128): tăng từ 6,96 lên 7,02. Đây tiếp tục là chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng thấp nhất, chủ yếu liên quan đến việc Việt Nam hạn chế quyền sở hữu ngoại hối trong thanh toán.
4. Tự do thương mại quốc tế (xếp thứ 98): tăng từ 6,4 lên 6,52.
5. Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh (xếp thứ 103): tăng từ 6,08 lên 6,10.
Việc Việt Nam có xu hướng tăng hạng vững chắc từ năm 2015 đến nay phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn cần nỗ lực để tiếp tục đạt được thứ hạng cao hơn.
Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới được Viện Fraser phối hợp với Mạng lưới Tự do Kinh tế - một nhóm các viện nghiên cứu và giáo dục độc lập ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện. Đây là thước đo hàng đầu thế giới về tự do kinh tế.
Tại Việt Nam, Viện Fraser đã hai lần phối hợp với Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) thực hiện đánh giá toàn diện sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam vào năm 2020 và đầu năm 2023 dựa trên bộ chỉ số này.