Tòa án địa phương

Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Duy Bình 20/09/2023 19:12

Ngày 20/9, TAND tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Ông Trình Lam Sinh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và ông Đỗ Thế Bình, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh An Giang dự và phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang; Chánh Tòa các Tòa chuyên trách; Trưởng, Phó các phòng, ban nghiệp vụ của TAND tỉnh An Giang; Chánh án TAND cấp huyện.

z4710817143045_4bb4df8d4536b18b2fafed7dd550e2ff.jpg
Ông Đỗ Thế Bình, Chánh án TAND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thế Bình, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh: Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã được triển khai thi hành hơn 8 năm. Kết quả thi hành cho thấy, đạo luật này đã phát huy hiệu quả trong việc hoàn thiện tổ chức, hoạt động của TAND hợp lý, khoa học.

Bên cạnh những thành tựu tích cực đó, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng cho thấy một số quy định đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

z4710761264529_8c69e87614e672a09abacdc0f22528d5(1).jpg
Quang cảnh hội nghị

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập.

Chánh án TAND tỉnh Đỗ Thế Bình đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), để qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động, chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tương lai.

Tại hội nghị, với tinh thần, trách nhiệm cao, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Các ý kiến tập trung thảo luận một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), gồm: Chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự; thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; Hội đồng Tư pháp quốc gia; tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán, chế độ chính sách đối với Thẩm phán; Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Hội thẩm...

z4710761221642_dd337c143e5458e9ed3789edfb0ba968.jpg
Các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến

Về quy định nội hàm về quyền tư pháp của Tòa án: các đại biểu đánh giá đây là quy định mới, quan trọng, cần thiết để chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”; đồng thời, cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa: Tòa án là cơ quan xét xử, nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan, trong khi đó việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.

Về thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án: Theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra, VKS có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Đương sự trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ sẽ vô hình chung dẫn tới việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một bên, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của Tòa án. Do đó, các đại biểu thống nhất đề nghị theo hướng bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án…

Các vấn đề liên quan đến Thẩm phán: Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Theo đó, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo Thẩm phán yên tâm công tác, không bị chi phối bởi các yếu tố khác. Đồng thời, các ý kiến cũng đồng tình cao với quy định ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng này sẽ thống nhất một chức danh Thẩm phán chung thay vì các loại Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp như hiện hành; thuận tiện cho công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển Thẩm phán.

Đồng thời, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán chỉ phải trải qua 01 kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán được thực hiện trước khi bổ nhiệm, không phải trải qua các kỳ thi nâng bậc Thẩm phán.

Duy Bình