Agribank và giải pháp hỗ trợ khách hàng yên tâm vay vốn
Khách hàng có thể yên tâm hơn nữa trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hang, với sự đồng hành của sản phẩm bảo an tín dụng của Bảo hiểm Agribank - ABIC. Hiện Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân.
Ngân hàng nỗ lực "mở cánh cửa" tăng trưởng
Tín dụng những tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm. Với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở; đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, các ngân hàng lớn nhỏ triển khai rất nhiều giải pháp. Đơn cử như Agribank, từ ngày 23/8/2023, ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,3% - 0,5% các kỳ hạn. Tính từ đầu năm, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5% các kỳ hạn, để có cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.
Bên cạnh giảm mạnh lãi suất cho vay, Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cụ thể, chương trình tín dụng đối với khách hàng SME nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết ngân sách của chương trình. Hay với chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu, lãi suất dành cho cho khách hàng vay thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN về triển khai gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản vượt qua khó khăn, Agribank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong đăng ký tham gia chương trình này với quy mô 3.000 tỷ đồng chiếm 1/5 gói tín dụng. Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai chương trình kéo dài đến hết ngày 30/6/2024 và có thể kết thúc sớm hơn khi giải ngân đủ ngân sách.
Không chỉ khách hàng doanh nghiệp, Agribank còn triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân. Đơn cử như Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối tượng áp dụng của Chương trình là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo; Mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu...
Việc Agribank đã tung ra nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời hướng đến nhiều đối tượng khách hàng được kỳ vọng vừa tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng sớm hồi phục vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn giai đoạn tới. Nhất là từ quý III trở đi các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh phục vụ cho ngày lễ, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.
Tạo “lá chắn” giúp khách hàng tự tin đầu tư kinh doanh
Khi lãi suất vay dễ chịu hơn, các quyết định đầu tư của khách hàng sẽ vững tâm hơn, từ đó tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại. Nhưng tại Agribank khách hàng có thể yên tâm hơn nữa trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng với sự đồng hành sản phẩm Bảo an tín dụng của CTCP Bảo hiểm Agribank - ABIC nhằm san sẻ rủi ro, tạo lá chắn tài chính vững chắc cho khách hàng trong quá trình vay vốn.Hiện Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đặc biệt Bảo an tín dụng - bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người vay vốn là sản phẩm thành công nhất của Bảo hiểm Agribank qua kênh phân phối ngân hàng - bảo hiểm.
Theo bà Phạm Thu Phương Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, chất lượng phát triển còn tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.
“Chúng tôi đánh giá kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nếu làm đúng, chính xác sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia, vì tiết giảm rất nhiều chi phí cho người dân mong muốn tham gia gói tài chính trọn gói tại một nơi. Song thực tế, trong quá trình triển khai, việc kiểm soát chất lượng tư vấn qua kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa chặt chẽ”, bà Phạm Thu Phương nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân chính của những vụ việc vừa qua trên thị trường bảo hiểm nhân thọ lại là chất lượng của hoạt động tư vấn. Do đó, vấn đề cải thiện chất lượng tư vấn, dịch vụ là vấn đề cần được công ty bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm chú trọng.
Là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là thành công nhất Việt Nam trong phát triển kênh phân phối Bancassurance cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu kênh phân phối Bancassurance luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15%/năm, chiếm tỷ trọng từ 70-80% tổng doanh thu, CTCP Bảo hiểm Agribank đã vận dụng lợi thế của hệ thống Agribank để chọn hướng đi riêng, tạo sự khác biệt khi xây dựng kênh phân phối Bancassurance với 171 Tổng đại lý - chi nhánh Agribank, 2.300 điểm giao dịch và hơn 30.000 đại lý viên trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Agribank cho biết, năm 2023 với cuộc “khủng hoảng niềm tin" khách hàng đã đặt ra những thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho kênh Bancassurance phát triển, tận dụng ưu thế mạng lưới, khai thác tiềm năng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, nỗ lực chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông… để đẩy mạnh doanh thu kinh doanh. Theo đó, các sản phẩm của kênh Bancassurance liên kết giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank được xây dựng trên cơ sở gắn với hoạt động tín dụng, là công cụ để phân tán, chia sẻ rủi ro cho người vay thông qua các sản phẩm bảo hiểm cho tính mạng, sức khỏe người vay hay tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản thế chấp tiền vay. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn vốn Nhà nước thông qua Agribank cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Định hướng chiến lược kinh doanh trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Bảo hiểm Agribank ưu tiên nguồn lực để phát triển phân khúc thị trường ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, giữ vị trí số 1 trong khu vực Tam nông, đặc biệt là nâng cao quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững, gắn bó với hoạt động kinh doanh của hệ thống Agribank.
Theo các chuyên gia, ngành bảo hiểm đã trải qua chu kỳ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng lên tới 20-30%/năm. Do đó, việc suy giảm, điều chỉnh trong thời gian gần đây là điều khó tránh khỏi, bởi không có thị trường nào duy trì đà tăng liên tục. Đây được cho là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời gian tới.