Xã hội

Nghệ An: Tăng cường kiểm soát khai thác trên biển

Nhật Minh - Mai Giang 19/09/2023 - 17:50

Thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng như những địa phương có biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Lực lượng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn (Đồn biên phòng Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa phối hợp lập biên bản xử phạt ngư dân Vũ Ngọc Việt (trú xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) về hành vi khai thác dã cào trái phép ở vùng ven bờ.

“Hành vi đánh bắt dã cào này sẽ làm ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân. Đoàn đã lập biên bản, xử lý hành chính đồng thời yêu cầu chủ phương tiện viết cam kết không tái phạm”, một cán bộ trong Tổ liên ngành cho biết.

tang_cuong_kiem_soat_tren_bien_1.jpg
Hoạt động kiểm soát tàu cá thường xuyên tại cảng Lạch Vạn của lực lượng Biên phòng

Được biết, thời gian qua, mỗi ngày lực lượng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn kiểm soát hơn 100 tàu thuyền ra vào cảng Lạch Vạn. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra 14 loại giấy tờ và các trang thiết bị cần phải có khi xuất cảng của tàu cá như: giám sát hành trình, nhật ký khai thác…

Đồng thời, đảm bảo thực hiện đúng quy định việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá... Làm nghiêm việc kiểm soát đánh bắt từ cửa lạch để nâng cao nhận thức cho ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích và Diễn Ngọc cũng đã vào cuộc mạnh mẽ để chống khai thác hải sản trái phép trong ngư dân.

Tại Xã Diễn Bích, qua nhiều hình thức tuyên truyền cho ngư dân về chấp hành quy định đánh bắt hải sản trên biển, nên tất cả 150 chủ tàu cá đều cam kết không đánh bắt xâm lấn vùng biển nước ngoài, không đánh bắt trái tuyến. Tất cả các chuyến ra khơi đều có nhật ký hành trình thể hiện được vùng đánh bắt và tọa độ bao nhiêu.

tang_cuong_kiem_soat_tren_bien_3.jpg
Lực lượng đồn Biên phòng Diễn Thành kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi

Ông Nguyễn Văn Liên – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Bích, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích, cho biết: UBND xã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Diễn Thành, vận động bà con nhân dân thực hiện đầy đủ khuyến cáo của EU cũng như Luật Thủy sản. Công chức phụ trách thủy sản xuống tận người dân rà soát, nắm bắt tình hình cụ thể các phương tiện, giấy tờ để vận động bà con hoàn thiện đầy đủ.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có 1.195 tàu thuyền, trong đó có 223 tàu xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Để hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản diễn ra an toàn, thuận lợi, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng Diễn Thành đã tuyên truyền sâu rộng chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, Luật Thủy sản; Tuyên truyền “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU.

Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Diễn Thành còn phối với với các tổ chức ban ngành tiến hành 8 đợt tuần tra trên biển, qua đó đã phát hiện 10 tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 32 triệu đồng, thực hiện làm thủ tục xuất nhập lạch cho hơn 4000 lượt phương tiện, 12.623 lượt lao động.

tang_cuong_kiem_soat_tren_bien_2(1).jpg
Một ngư dân bị lực lượng đoàn liên ngành lập biên bản xử phạt vì hành vi khai thác trái tuyến

Trước đây, việc khai thác hải sản ở vùng cấm, thiếu trang thiết bị giám sát, không khai báo vùng đánh bắt... diễn ra khá phổ biến. Với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, bắt buộc tất cả chủ tàu đều có giấy cam kết chấp hành nghiêm Luật Thủy sản.

Mỗi năm huyện Diễn Châu khai thác đạt trên 40 nghìn tấn hải sản, nghề biển tạo việc làm cho trên 6.000 lao động cả trên bờ và trên biển. Vì vậy, việc chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt trên biển sẽ là điều kiện để nghề biển phát triển bền vững, đảm bảo đời sống cho bà con nhân dân.

Nhật Minh - Mai Giang