Nữ TNXP ba lần được đồng đội truy điệu sống

Đời sống - Ngày đăng : 07:40, 24/04/2015

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước cũng đã thôi không còn tiếng súng, có những người lính đã phải nằm lại nơi chiến trường, những người may mắn trở về nay tóc cũng đã bạc, nhưng trong tâm trí họ vẫn còn nguyên những ngày tháng khói lửa, khốc liệt.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, chúng tôi (PV) tìm gặp người nữ anh hùng Hồ Thị Thu Hiền (SN 1947), bà là đại đội trưởng của đại đội 202 - N241, P31 Nghệ An năm xưa (đơn vị đảm nhận nhiệm vụ tải thương, thông đường) và cũng là người mà 3 lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống.

Bà sống trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ trên đường Hồng Bàng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng đôi mắt bà vẫn rất tinh anh với nụ cười rất hiền. Bà giản dị, mộc mạc, tác phong còn mang đậm chất “người lính cụ Hồ”.

Bà Hiền kể, năm bà tròn 18 tuổi, bà tình nguyện làm đơn xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong để phục vụ tại địa phương. 3 năm sau, bà chính thức tham gia vào đại đội 202, và bằng ý chí gan dạ của mình, bà được cử làm đại đội trưởng của đại đội 202 - N241, P31 Nghệ An.

Nữ TNXP ba lần được đồng đội truy điệu sống

Qua năm tháng người nữ Đại đội trưởng năm xưa nay tóc đã điểm bạc 

Chiến tranh ác liệt, trên bom dưới đạn của kẻ thù, đơn vị bà lại giữ nhiệm vụ thông đường cho xe ta qua, nên việc đối mặt với cái chết là điều hết sức bình thường. Bà cũng như những đồng đội của mình luôn ý thức được điều đó nên chuyện sống chết không còn là gánh nặng, ai nấy đều mong sao để hoàn thành nhiệm vụ, để những con đường không có bom mìn sót lại, để những chuyến xe của ta kịp ra chiến trường.

Việc bà được đồng đội 3 lần làm lễ truy điệu sống cho mình cũng bắt nguồn từ sự nguy hiểm của nhiệm vụ mà đơn vị bà thực hiện.

Bà Hiền chia sẻ: “Sau khi kết thúc chiến dịch ở Quảng Trị, đơn vị chúng tôi được điều ra Đồng Hới để mở tuyến đường lên Cổn dài 10km, để tạo thêm đường nhánh cho bộ đội hành quân. Đây là một trong những nhánh đường quan trọng nên địch ngày đêm bắn phá, nhằm ngăn cản lực lượng của ta mở đường. Vì lẽ đó, đoạn đường chưa đến 10 km, nhưng máy bay giặc ngày đêm vần vũ, thả không ít bom từ trường, bộ đội của ta cũng đã hy sinh rất nhiều trên 10 cây số đường ấy”.

Đầu năm 1970, khi nhận nhiệm vụ làm đường, do mật độ bom dày đặc nên đã có nhiều chiến sỹ hi sinh, và để bớt rủi ro cho đồng đội thì phải tiến hành rà bom mìn trước – một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm. Vậy là, người chỉ huy nữ ấy đã xung phong nhận lấy nhiệm vụ rà bom. Đồng đội can ngăn, xin được đi thay nhưng bà Hiền cương quyết từ chối. Với bà, đã là một người chỉ huy thì phải gương mẫu.

Trước quyết định của bà, toàn bộ đơn vị đã lặng lẽ làm lễ truy điệu sống cho bà. Đôi mắt ánh lên vẻ tự hào, bà Hiền nói: “Lần đó, nhiệm vụ mở đường của đơn vị tôi đã hoàn thành xuất sắc và tôi vẫn bình an trở về. Nhưng ngày xong tuyến đường cũng là ngày chúng tôi nhận được nhiệm vụ mới, hành quân sang đường 9 Nam Lào để tải thương binh”.

Nhiệm vụ tải thương binh lần này cũng hết sức nguy hiểm vì phải lao mình vào giữa hai làn đạn của ta và địch để khiêng vác thương binh về nơi an toàn mà hầu như không có phương án phòng vệ chủ động nào.

Để giảm thiểu thương vong và trấn an tinh thần đồng đội mình, nữ đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền đã nghĩ ra cách… đi thăm trận địa. Có thể nói, đó là việc hết sức mạo hiểm vì những con đường vào chiến trận đâu có sẵn, các chị phải vừa đi vừa mở đường, với đầy rẫy những bom từ trường, bom bi chưa kịp nổ, việc mò mẫm như vậy không ai bảo rằng có khả năng trở về.

Lần đó, bà Hiền cùng 7 đồng chí trong đơn vị đã xin đi. Không có lựa chọn nào khác, ngày các chị ra đi, đơn vị lại làm lễ truy điệu sống. Và lần đó, bà Hiền cùng đồng đội vẫn trở về bình an.

Nữ TNXP ba lần được đồng đội truy điệu sống

Những bức ảnh nhuốm màu thời gian giờ đây bà Hiền coi chúng như những kỷ vật quý giá

Khi chiến tranh ngày càng khốc liệt thì những người lính nguyện chết cho đất nước cũng nhiều thêm. Bà nói: "Do nhiệm vụ cáng thương binh cần sức khỏe nên tôi chỉ chọn những người có thể lực để đám bảo an toàn và làm tốt hai mực tiêu là “quyết không để thương binh bị thương lần hai” và “bảo vệ thương binh như chính con ngươi của mình”. Cũng lần này, tôi thực sự thấy khó xử, một số đồng đội trong đơn vị lo tôi không cho đi nên họ đã lấy máu của mình để viết thư xin đi. Ngày đó, được đi chiến dịch Nam Lào là một niềm tự hào trong lòng người lính".

Chiến dịch Nam Lào thắng lợi, đơn vị 202 lại nhận được nhiệm vụ mới. Năm 1972, đơn vị có nhiệm vụ đi từ Quảng Bình vào Quán Hàu rồi ngược lên Hướng Hóa, Minh Hóa để làm đường chiến lược và lấp hố bom. Tuyến đường ngày đêm bị bắn phá, cũng có những quả bom từ trường chưa phát nổ sẽ cản trở những chuyến xe của ta.

Hôm đó, người nữ đại đội trưởng đang mặc chiếc áo trắng làm hoa tiêu cho xe chở hàng đi qua thì máy bay giặc kéo đến. Cùng lúc đó, bà Hiền phát hiện ra có 3 quả B52 chưa nổ nằm chắn ngang đường, với suy nghĩ, phải tìm cách đưa những quả bom này ra khỏi mặt đường cho xe đi qua, một đội cảm tử gồm 5 người trong đó có bà Hiền lại xin đi mở đường.

Nhớ về ngày đó, bà Hiền cho biết: “Mình nhìn thấy "nó" coi như mình với “nó” còn duyên nợ. Anh em biết tính mình, cản cũng chẳng được lại tổ chức làm lễ chào cờ và truy điệu sống”.

Vẫn nụ cười rất hiền, người nữ anh hùng kể cho chúng tôi nghe về những lần đối mặt với thần chết bằng lời nói nhẹ nhàng như gió thoảng. Ba lần cảm tử nhưng không chết, đất nước thống nhất bà trở về quê hương với thương tật trên mình.

Năm 1976, bà Hiền nên duyên với ông Hoàng Văn Cự cùng là đồng đội với bà. Ông bà sinh hạ được 3 người con, dẫu cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng tiếng cười luôn ngập tràn trong gia đình của bà. Với những cống hiến trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, năm 2007, cựu TNXP Hồ Thị Thu Hiền được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chia tay căn nhà nhỏ, chúng tôi thêm một lần nữa cảm phục sự anh hùng, bất khuất trước câu nói của bà “để đổi lấy hòa bình cho dân tộc thì dẫu có hi sinh tuổi xuân hay máu xương của mình - Tôi cũng nguyện”.

Thảo My – Nam Hà