Cần quyết liệt hơn trong việc xã hội hóa, tạo cơ chế thu hút đầu tư vào công trình hạ tầng giao thông
Chính trị - Ngày đăng : 08:53, 22/04/2016
Cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì; tham dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, các Thứ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khó khăn lớn nhất là vốn và GPMB. Đây thực chất là hai mặt của vấn đề, vì phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng, tiến độ chung của cả dự án.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trong năm 2015, nhiều công trình giao thông trọng điểm gặp vướng mắc, nhất là nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA để thực hiện GPMB. “Chỉ tính riêng các dự án của Bộ GTVT hiện đang thiếu khoảng 12 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, việc thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. “Do không có tiền đối ứng GPMB, nhiều gói thầu phải dừng lại, kèm theo đó là khả năng phát sinh các khiếu kiện của nhà thầu”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.
Kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, về cơ chế triển khai vay nguồn vốn ODA thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế đặc thù để thực hiện. Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn đối với Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thông tư đối với Nghị định 30 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Thứ trưởng Trường cũng đề xuất Chính phủ xem xét thành lập quỹ đầu tư hạ tầng để phục vụ công tác đối ứng cho các dự án ODA và PPP.
“Nguồn tiền từ quỹ đầu tư còn có thể sử dụng để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập quỹ đầu tư bằng nguồn tiền thu được từ quỹ đất, dịch vụ thương mại dọc các tuyến đường và một phần vốn hỗ trợ của Nhà nước”, Thứ trưởng Trường nói.
Đề cập tới công tác GPMB, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế riêng cho các dự án giao thông. “Chúng ta không thể coi GPMB của các dự án giao thông giống như những trung tâm thương mại. Bởi nếu áp dụng chung cơ chế, chi phí GPMB của các dự án giao thông rất lớn và nó sẽ chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Do đó, Chính phủ cần xem xét để có cơ chế riêng cho công tác GPMB các dự án giao thông”, Thứ trưởng Trường đề xuất.
Phát biểu kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ GTVT, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đã quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của ngành Giao thông cần được khắc phục như: công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chậm triển khai...
Về khó khăn trong bố trí vốn, Phó Thủ tướng lưu ý: Các bộ, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hóa, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm phát triển các công trình hạ tầng giao thông. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng. Ngành Giao thông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình, tiến độ giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm giao thông, đối với những dự án đang triển khai, các dự án sắp triển khai. Bộ GTVT được yêu cầu chủ động đề xuất các dự án mới; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các doanh nghiệp BOT phát triển hạ tầng giao thông; tập trung xã hội hóa, xây dựng cơ chế để cùng các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư, nâng cao năng lực nhà thầu; rà soát lại toàn bộ tiến độ của các dự án trọng điểm để có kế hoạch chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA; trên cơ sở khả năng bố trí của ngân sách để có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội. Bộ Tài chính cần giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư. Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT cần có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở từng công trình, dự án cụ thể.
Hiện tại, cả nước có 37 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 498.080 tỷ đồng. 12 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Chẳng hạn, các dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương, Cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, đường Láng-Hoà Lạc, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình… đều được đưa vào vận hành, khai thác, phát huy tốt hiệu quả. Các dự án đường bộ hiện đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 255.778 tỷ đồng. |