Quyền sống mất đi…mọi quyền khác là vô nghĩa
Đời sống - Ngày đăng : 16:28, 23/04/2015
Trao đổi với PV Báo Công lý về đề xuất "Quyền được chết" vào Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015, Luật sư Tiết nhấn mạnh, ngành y là ngành cứu sống con người chứ không bao giờ tước đoạt mạng sống của con người. Bệnh nhân còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng.
Luật sư Tiết cho rằng "quyền sống mất đi thì mọi quyền khác đều vô nghĩa"
Theo luật sư Tiết, trong lời thề Hippocrates (người được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) có đoạn: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.
Trước đề xuất có phần gây “sốc” của Bộ Y tế, Luật sư Tiết nêu quan điểm, trong thực tế có những trường hợp bệnh nhân chết lâm sàng nhưng bỗng nhiên sống lại. Vì vậy, vấn đề đề xuất quyền được chết vào Bộ luật Dân sự cần phải được bàn bạc, cân nhắc một cách cẩn thận.
“Những con người đau khổ đến tận cùng, ngành Y phải làm giảm bớt đau khổ cho họ bằng cách nào đó chứ không phải là tước đoạt quyền sống của họ”, ông nói thêm.
Trước đó, trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Tiến sỹ Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất bổ sung “quyền được chết” đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.
Trước câu hỏi nếu quyền được chết đưa vào Luật thì có trái với y đức ngành Y hay không, ông Quang cho rằng, quan điểm của ngành Y là cứu người bệnh đến tận cùng, còn nước còn tát, nhưng nếu Luật cho phép quyền được chết thì việc bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân kết thúc sự sống trong thanh thản, nhẹ nhàng cũng là y đức.
Được biết, năm 2005, khi xây dựng Bộ luật Dân sự, “quyền được chết” từng được đưa ra bàn luận nhưng không được Quốc hội thông qua.