Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 14:04, 15/09/2023
Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo Thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, việc sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án Luật xây dựng dựa trên 5 quan điểm gồm: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều, sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).
Về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP. Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội. Tăng cường năng lực của HĐND Thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14; theo đó tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Dự thảo cũng quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô, trong đó, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù. Cụ thể, TP. Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND thành phố thuộc TP. Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định một số cơ chế, đặc thù cho Thủ đô về: chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; về phát triển văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội…
Đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án Luật cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật bởi đây không phải là đạo luật thay thế toàn bộ các luật hiện hành để áp dụng trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác mà chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt cho Thủ đô chưa được quy định hoặc khác với quy định của Luật hiện hành.
Về phạm vi, lĩnh vực phân quyền, đa số ý kiến cho rằng cần phải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực thực hiện của chính quyền Thủ đô và dựa trên những điểm đặc thù, khác biệt, riêng có của Hà Nội với tính chất là Thủ đô của cả nước. Do đó, cần lựa chọn những nội dung, thẩm quyền mà các luật hiện hành đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quyết định, nay cần thiết giao trực tiếp cho chính quyền thành phố Hà Nội quyết định để tăng tính chủ động.
Ngoài ra, phải có cơ chế để tạo thuận lợi tối đa cho chính quyền cấp thành phố trong việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình căn cứ vào năng lực thực tế và khả năng đáp ứng của từng chủ thể nhận phân cấp, ủy quyền. Song song với việc phân quyền cho chính quyền tại Thủ đô thì cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực đó được thực hiện, phát huy tác dụng trên thực tế và phải được kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Luật trên tinh thần đã là cơ chế, chính sách đặc thù thì phải được quy định cụ thể ngay trong luật để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.