Phóng sự - Ghi chép

Những sơn nữ sa ngã vì tiền

Huyền Thương 15/09/2023 06:00

Mấy năm gần đây, thủ phạm là nữ trong các vụ án ma tuý xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các xã bản vùng cao biên giới của các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Chỉ vì không thắng nổi sức cám dỗ ma mị của đồng tiền, đã có quá nhiều sơn nữ người Mông, người Thái lao đầu vào con đường phạm tội, để rồi phải trả giá bằng chính cuộc đời mình.

Một phút sai lầm, cả đời sau song sắt

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa bị cáo Lương Thị Sinh (27 tuổi, trú ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) ra xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trong vụ án này, còn có hai đồng phạm khác của Sinh là Vũ Duy Kiên (29 tuổi, trú xã Minh Thành, TX. Quảng Yên, Quảng Ninh) và Nguyễn Văn Quyết (32 tuổi, trú phường Đại Yên, TP. Hạ Long, Quảng Ninh).

Lương Thị Sinh là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Sau khi học xong lớp 5, cô quyết định nghỉ, ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng ruộng. Đến tuổi trưởng thành, sinh đem lòng yêu gã thanh niên tên Lê Ngọc Tuấn, quê ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, mối tình đó đã bị người thân của Sinh phản đối kịch liệt vì thanh niên này nghiện ngập, dính vào ma túy. Dù vậy, Sinh vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, giữa hai người đã có một đứa con chung. Thế nhưng, sau đó Lê Ngọc Tuấn bị bắt về hành vi mua bán ma túy và bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án chung thân.

Sau đổ vỡ hôn nhân với người chồng đầu, Sinh để đứa con lại cho bố mẹ chăm sóc rồi ra Bắc làm thuê. Tại đây, Sinh tìm được hạnh phúc mới khi kết hôn với người đàn ông sinh năm 1982. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không hạnh phúc nên Sinh bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Trong quãng thời gian này, Sinh bắt đầu cấu kết với một số đối tượng mua bán ma túy trước đó của chồng ‘hờ” Lê Ngọc Tuấn để thực hiện hành vi phạm pháp. Do vậy, khi được một người quen biết trước ở ngoài Bắc liên hệ mua ma túy, Sinh liền đồng ý tìm “hàng”.

Cụ thể, ngày 19/3/2019, Lương Thị Sinh nhận được điện thoại của Vũ Duy Kiên đặt mua 1kg ma túy đá và 1kg ma túy ketamine. Sinh nhận lời và ngày hôm sau đi lên khu vực cửa khẩu Thông Thụ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) gặp một người phụ nữ Lào hỏi mua ma túy. Qua thỏa thuận, người phụ nữ này đồng ý bán cho Sinh 1kg ma túy đá giá 200 triệu đồng, 1kg ketamine là 300 triệu đồng.

anh-bai-nhung-son-nu-sa-nga-vi-tien-1(1).jpg
Chỉ vì 20 triệu, Sinh phải nhìn đời trôi qua sau song sắt

Nhận tin báo từ Sinh, Kiên hỏi mượn Nguyễn Văn Quyết 100 triệu đồng và thuê người này chở vào Nghệ An mua hàng nông sản với giá 5 triệu đồng. Trước khi lên đường, Kiên chuẩn bị xô nhựa màu đỏ có đựng dầu nhớt, muối, cát với mục đích nếu bị công an phát hiện thì sẽ phi tang ma túy vào đó.

Thu xếp xong, Kiên và Quyết đi xe đến huyện Quế Phong rồi hẹn gặp và đưa tiền cho Sinh để mua ma túy. Hai ngày sau, Sinh đưa hàng cho Kiên. Khi chiếc xe của Quyết điều khiển chở Kiên cùng số ma túy đi đến địa phận xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thì bị công an phát hiện.

Thấy lực lượng chức năng, Kiên và Quyết cố thủ trên xe ô tô, sau đó đổ số ma túy trên vào chiếc xô đã chuẩn bị từ trước để tẩu tán nhưng bất thành. Cơ quan chức năng xác định, số lượng tinh thể rắn lẫn trong chiếc xô có 440,71 gam ma túy đá và 1031,01 gam ma túy ketamine.

Tại phiên tòa, Sinh đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Cô khai rằng, sau khi mua bán thành công được người phụ nữ quốc tịch Lào đưa cho 20 triệu đồng tiền công, còn Kiên thì không đưa “bồi dưỡng” cho cô một đồng nào. Số tiền thu được, Sinh mua một chiếc xe đạp điện cho em gái, mua quần áo và một số vật dụng khác cho con. Nữ bị cáo bật khóc khi nhắc đến đứa con nhỏ của mình. Trong lời nói sau cùng trước khi tòa vào nghị án, Lương Thị Sinh xin giảm nhẹ hình phạt để về chăm sóc con, chuộc lại lỗi lầm.

Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này Kiên và Sinh là người chủ mưu, trực tiếp mua bán toàn bộ số ma túy trên. Nguyễn Văn Quyết tuy không được bàn bạc trước nhưng khi biết Kiên giao tiền cho Sinh để mua ma túy và biết Kiên nhận được ma túy nhưng vẫn lái xe chở đối tượng này về Quảng Ninh. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện đã cũng Kiên tẩu tán ma túy. Vì vậy, Quyết là đồng phạm giúp sức cho Kiên. Xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, Tòa tuyên phạt Vũ Duy Kiên và Lương Thị Sinh mức án tù chung thân; Nguyễn Văn Quyết 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Nghe xong Tòa tuyên án, Sinh bật khóc. Chỉ vì mờ mắt trước những đồng tiền bất chính, cô đã tự đẩy cuộc đời mình vào ngõ cụt, để lại đứa con nhỏ đã vắng cha nay còn thiếu mẹ.

Tự tước đi mạng sống của mình

Cũng là người dân tộc thiểu số, cũng từng “luồn rừng đi buôn ma túy” như Sinh, nhưng cái giá mà Lường Thị Huấn (20 tuổi, quê ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) phải trả nó lớn hơn nhiều. Đó chính là mạng sống. Bởi với hành vi mang 10 bánh heroin về Hà Nội để lấy 100 triệu đồng tiền công, cô đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình.

anh-bai-nhung-son-nu-sa-nga-vi-tien-2-1-1-.jpg
Huấn và Hiển tại tòa

Theo cáo trạng, tháng 5/2018, Hiển quen và được người đàn ông tên Thắng (không rõ lai lịch) thuê vận chuyển 10 bánh heroin với giá 150 triệu đồng. Do quen biết với Huấn khi đi tìm việc ở Điện Biên, Hiển đã thuê thiếu nữ mang số hàng trắng từ TP Điện Biên Phủ về Hà Nội với thỏa thuận 10 triệu đồng mỗi bánh. Cùng phận làm thuê, do cần tiền nên Huấn lập tức đồng ý. Đầu tháng 6, nam thanh niên mang số ma túy đến phòng trọ của Huấn để cất giấu.

Tối 6/6/2018, Lường Thị Huấn để ma túy vào balô, vali kéo và túi xách rồi lên ôtô khách đi bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Để giám sát người vận chuyển, Hiển cũng bắt chuyến xe khác và khởi hành sau Huấn một giờ.

Sáng hôm sau, thiếu nữ sinh năm 2000 ra cổng bến xe, đang đón taxi thì bị trinh sát Công an quận Nam Từ Liêm bắt quả tang. Trong túi của Huấn, cảnh sát còn thu giữ túi ma túy đá. Biết đồng bọn bị bắt, Hiển đã đến công an đầu thú vào sáng hôm đó.

Tại tòa, cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Huấn khai do muốn có 100 triệu đồng, khoản tiền rất lớn so với bản thân nên nhận lời vận chuyển ma túy.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này, Hiển giữ vai trò chính khi nhận heroin để chuyển về Hà Nội, Huấn là người thực hiện tích cực. Thiếu nữ 20 tuổi còn tàng trữ ma túy để sử dụng. Do số lượng ma túy của vụ án rất lớn, HĐXX thấy cần cách ly vĩnh viễn 2 bị cáo ra khỏi xã hội...

Nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy đã không thể cầm lòng, tiếc cho Lường Thị Huấn, một cô gái trẻ người dân tộc có ít nhiều nhan sắc. Giá như Huấn không bị đồng tiền làm lóa mắt thì đã không tự tay tước đi mạng sống của chính mình và đẩy người thân vào vòng tủi khổ.

Đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là quy luật ở đời. Thế nhưng, đằng sau hai vụ án trên phản ánh một thực tế là đang ngày càng có nhiều sơn nữ lao vào con đường phạm tội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong công tác đấu tranh, phòng chống ma túy ở một số tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An..., thì tỷ lệ phụ nữ phạm tội về ma túy đang ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây, họ chỉ thuần túy tham gia vận chuyển, buôn bán lẻ thì nay tội phạm nữ có vị trí và vai trò lớn hơn, thậm chí là cầm đầu đường dây liên tỉnh hay xuyên quốc gia.

anh-bai-nhung-son-nu-sa-nga-vi-tien-3.jpg
Không thắng được sức cám dỗ của đồng tiền, nhiều sơn nữ lao đầu vào buôn ma túy

Nếu như 10 năm về trước, số phụ nữ có mặt trong các đường dây ma túy bị bóc gỡ mới chỉ trên 10% thì hiện nay, con số đó đã tăng lên đến 25-30%. Những đối tượng này thường được chia làm 2 loại, một là phụ nữ người dân tộc, ít học, thiếu hiểu biết, bị lợi dụng, rủ rê, xúi giục, ép buộc hoặc do cuộc sống quá khó khăn nên cùng quẫn vi phạm pháp luật; thứ hai là những phụ nữ được học hành, lanh lợi, có đầu óc buôn bán, biết ẩn mình trong các vỏ bọc hoàn hảo. Loại đối tượng thứ nhất ít mưu mô nhưng lại ngoan cố, chây ỳ vì những niềm tin cực đoan, còn loại đối tượng thứ hai thì đúng là những bậc thầy về thủ đoạn, luôn có cả ngàn mưu ma chước quỷ đối phó với lực lượng chức năng.

Nhưng vì bất luận vì lý do gì, bị rủ rê lôi kéo hay chủ động lao đầu vào con đường phạm tội, thì những “nữ quái”, “bà trùm” ma túy ấy đều ngàn lần đáng trách. Bởi sớm hay muộn họ cũng sẽ trở thành người vợ, người mẹ trong gia đình, cũng từng khát khao có một tổ ấm bình yên, vậy mà họ vẫn đang tâm mang “cái chết trắng” gieo vào hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng vạn gia đình khác.

Khi bị bắt, ngồi trong 4 bức tường giam, phần lớn những “nữ lái buôn tử thần” này đều sám hối. Nhưng liệu những giọt nước mắt ân hận đó của họ có rửa trôi được những lấm lem trong quá khứ? Có tưới tắm, đắp đổi được những khô héo, đớn đau, tủi khổ của những bà mẹ có con nghiện ngập? Và liệu nó có thể hàn dính, vá víu lại rách nát của những gia đình có người thân bập vào ma túy? Chắc chắn đó là điều không thể!

Pháp luật thượng tôn, lưới trời lồng lộng, bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào sớm hay muộn cũng đều phải trả giá. Chỉ hy vọng rằng, sau khi chứng kiến những “tấm gương tày liếp” như Sinh, như Huấn thì những sơn dân hay sơn nữ khác kịp dừng lại lấy một giây để nghĩ suy, trước khi định lao đầu vào bóng tối mịt mù.

Huyền Thương