Quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội: Không nên để “nước đến chân mới nhảy”

Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 10/04/2015

Vụ năm bảo mẫu hành hạ trẻ HIV tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) một lần nữa gióng lên hồi chuông về thực trạng quản lý hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội.

Mới đây,  Bộ LĐ-TB& XH có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước.

Công tác quản lý còn bất cập

Hiện nay số lượng người cần trợ giúp xã hội trên cả nước chiếm trên 20% tổng dân số trong đó có khoảng 8,5 triệu người cao tuổi; 7 triệu người khuyết tật; gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; hơn 180.000 người nhiễm HIV,183.000 người nghiện ma túy, hơn 15.000 người bán dâm và 20.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình được phát hiện.

Con số nói trên được đưa ra tại hội thảo Đề án phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2015 – 2025 được tổ chức gần đây. Đề án đã đánh giá thực trạng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay: với số người cần trợ giúp xã hội chiếm hơn 20% dân số, việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội hàng năm đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội cho trên 2,6 triệu người, trợ giúp về y tế, giáo dục, việc làm, dạy nghề  cho  khoảng 10 triệu người. Mạng lưới trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển vói 359 cơ sở trợ giúp trên phạm vi cả nước trong đó có 179 cơ sở công lập, 180 cơ sở ngoài công lập nhưng mới chỉ đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng.

Quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội: Không nên để “nước đến chân mới nhảy”

Tặng quà cho trẻ tại một cơ sở bảo trợ xã hội

Những hạn chế, tồn tại như: Các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được quy hoạch, chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn thiếu; hầu hết các cơ sở trợ giúp tập trung các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thiếu các dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, thiếu sự liên kết đa ngành; tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên xã hội còn nhiều hạn chế… các hướng giải pháp khắc phục cũng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tại hội thảo một cách thẳng thắn, nghiêm túc.

Những năm gần đây, tuy hệ thống an sinh xã hội của nước ta có mở rộng diện bao phủ, các chính sách trợ cấp, trợ giúp được đổi mới để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội được chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng được như cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, có một thực trạng chưa được đề cập đến là đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội chưa được đào tạo có hệ thống, công tác quản lý, giám sát hoạt động tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Kiểm tra, giám sát phải thường xuyên

Theo báo cáo, cả nước hiện có hơn 400 cơ sở bảo trợ được cấp phép thành lập, trong đó, các cơ sở ngoài công lập chiếm 60%. Thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án quy hoạch các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng phát triển các cơ sở trợ giúp ngoài công lập.

Chính phủ đã ban hành quy định khuyến khích việc xã hội hóa các mô hình trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, trong đó có các cơ sở ngoài công lập. Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc các đối tượng yếu thế cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội. Theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia thành lập cơ sở BTXH; tuy nhiên, việc thành lập các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện do Chính phủ quy định. Theo đó, những cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên đã phải thành lập cơ sở BTXH. Đây là quy định bắt buộc. Các cơ sở được thành lập theo đúng quy định của pháp luật sẽ được giải quyết các chế độ trợ cấp. Những cơ sở chưa được cấp phép phải làm thủ tục để được cấp phép, đồng thời phải bảo đảm việc chăm sóc trẻ em trong một môi trường an toàn, cơ sở vật chất tốt.

Như vậy, quy định của pháp luật về cơ sở bảo trợ xã hội là khá đầy đủ và chặt chẽ. Nếu tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, sẽ không có các sai phạm xảy ra.

Theo nội dung công văn số 1211/LĐTBXH-BTXH ngày 7/4/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình thực hiện Nghị định số 68 ngày 30/5/2008/ NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội, qua công tác kiểm tra, thanh tra và phản ảnh của các cơ quan truyền thông, báo chí cho thấy có nhiều hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại một số cơ sở bảo trợ xã hội chưa thực hiện theo đúng quy định, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Để rút kinh nghiệm chung trong công tác quản lý, hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các cấp tăng cường trách nhiệm của giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nội bộ tại các cơ sở bảo trợ xã hội và Sở LĐ-TB&XH. Rà soát, đánh giá lại dội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; lựa chọn, sắp xếp nhân viên có phẩm chất đạo dức, được đào tạo kỹ năng công tác xã hội làm nhân viên bảo mẫu. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 34/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ. Bộ LĐ-TB& XH cũng yêu cầu lắp đặt các thiết bị theo dõi giám sát việc nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng tại các khoa, phòng của cơ sở phù hợp.

Đây không phải lần đầu tiên việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội được thực hiện. Trước đó, vào tháng 8/2014, sau vụ việc mua bán trẻ em làm con nuôi tại Chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB& XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát để bảo đảm các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Dư luận mong rằng, việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội là cần thiết, song để việc chấp hành pháp luật được nghiêm túc, công tác này cần được tiến hành thường xuyên chứ không nên để “nước đến chân mới nhảy” hay chỉ theo “chiến dịch” mỗi khi những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Hương Lan