Google đối mặt vụ kiện lịch sử về chống độc quyền
Hôm nay (13/9) là ngày xét xử đầu tiên vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ với cáo buộc Google-công ty con của tập đoàn Alphabet đã độc quyền công cụ tìm kiếm chủ lực của mình.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách thay đổi trật tự kết quả nhằm tối ưu doanh thu quảng cáo, hoặc "dìm" sản phẩm của đối thủ. Đây được xem là tranh chấp pháp lý lớn nhất liên quan đến giới công nghệ tại Mỹ suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Vụ kiện với Google được Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng cách đây 3 năm và là vụ khởi kiện đầu tiên của cơ quan này với một hãng công nghệ, kể từ sau vụ kiện tập đoàn Microsoft hồi thập niên 1990 về độc quyền xung quanh hệ điều hành Windows.
Theo giới chức Mỹ, cũng giống như Microsoft trước đây, Google đã củng cố thế độc tôn trên thị trường thông qua những biện pháp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, như chi tiền cho các nền tảng, hay gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại Android để họ phải cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định.
"Google rõ ràng có vị thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm. Vụ kiện này nhằm giải quyết câu hỏi liệu vị thế này có phải do những hành vi phi pháp hay không. Thực tế là rất ít khi người dùng thay đổi công cụ tìm kiếm và Google đã chi hàng tỷ USD để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều nền tảng như điện thoại iPhone hay trình duyệt Firefox", ông Michael Liedtke, phóng viên chuyên trách lĩnh vực công nghệ, hãng tin AP, cho biết.
Phía Bộ Tư pháp Mỹ cũng lập luận rằng, Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách thay đổi trật tự kết quả nhằm tối ưu doanh thu quảng cáo, hoặc "dìm" sản phẩm của đối thủ, nhưng không mang lại hiệu quả cho người dùng.
"Nhiều người dùng phàn nàn rằng, bây giờ họ phải đào sâu xuống trang 2 hay 3 mới tìm được thông tin cần thiết mà trước đây có thể nhìn thấy ngay ở trên, bởi trang đầu bị sắp xếp toàn quảng cáo hoặc các dịch vụ khác của Google", ông Michael Liedtke cho biết thêm.
Đứng trước các cáo buộc này, Google khẳng định, người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn về tìm kiếm từ nhiều đối thủ như Bing của Microsoft hay Amazon và việc hãng đạt lợi thế dẫn đầu đến từ khả năng cải tiến công cụ của mình nhờ dữ liệu, cũng như thói quen tìm kiếm của khách hàng.