Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời cho cách mạng và nền khoa học nước nhà
Sáng 13/9, tại tỉnh Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913- 13/9/2023).
Dự Lễ kỷ niệm có: ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long; đại diện gia đình Giáo sư Trần Đại Nghĩa; cùng các tầng lớp, nhân dân trong tỉnh Vĩnh Long.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, vùng đất Vĩnh Long với lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển – vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước, những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc; trong đó, có Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, người cộng sản kiên trung, nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái.
Năm 1935, được sự giúp đỡ của ông Vương Quang Ngươu một nhà báo yêu nước, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học và thi đỗ vào Trường Đại học Quốc gia Cầu đường Paris. Quá trình học tập nơi xứ người, vượt lên những mong muốn đời thường của một thanh niên được sống nơi phồn hoa, bằng tinh thần ham hiểu biết và ý chí quyết tâm học tập để sau này giúp ích cho quê hương, đất nước. Ngoài chương trình học tập trên lớp, người thanh niên yêu nước còn nỗ lực nghiên cứu, học thêm về chế tạo vũ khí và hàng không quân sự. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, Phạm Quang Lễ đã được giữ lại làm việc tại Pháp và Đức.
Năm 1946, Kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cặp bến Ngự - Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, với tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ con đường công danh, phú quý đang rộng mở để trở về gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc.
Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, Ba-dô-ca, SKZ…
Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35. Năm 1949, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1952, tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam và được phân công đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách Khoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng...
Năm 1966, Giáo sư Trần Đại Nghĩa giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng phụ trách về kỹ thuật quốc phòng; đồng thời, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa được phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trên cương vị người đứng đầu ngành Quân giới, với tinh thần nhiệt huyết, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ, chiến sĩ chế tạo vũ khí; trong những năm đầu kháng chiến nhiều sáng kiến chế tạo, cải tạo vũ khí chống địch được áp dụng.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, những sản phẩm của ngành Quân giới Việt Nam; đặc biệt là, súng Ba-dô-ca, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cùng với việc tổ chức và trực tiếp tham gia sáng chế, cải tạo nhiều vũ khí tiên tiến, đồng chí Trần Đại Nghĩa còn dành thời gian nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm, tài liệu về vũ khí quốc phòng và các công trình có giá trị khoa học khác. Với những đóng góp to lớn cho ngành Quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng”.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định, với 84 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, hơn 50 năm tận tụy gắn bó với sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trọn đời cho ngành khoa học quân sự và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Đạo đức cách mạng trong sáng, lòng yêu nước nồng nàn, niềm say mê nghiên cứu khoa học, sẵn sàng từ bỏ lợi ích vật chất cá nhân, một lòng theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó là, tấm gương cao đẹp, mẫu mực của người trí thức cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nhất là, thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền khoa học nước nhà, là một tấm gương sáng, mẫu mực, giàu nghị lực, giản dị, trung thực, thẳng thắn, được đồng chí, đồng đội, nhân dân tin tưởng, yêu mến, được bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.
Tình cảm của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đối với quê hương Vĩnh Long thật sâu đậm, gắn bó. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Bắc và sau khi nước nhà thống nhất, mặc dù bận nhiều công tác nhưng đồng chí vẫn dành thời gian về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về người con ưu tú - Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện những lời dặn dò chân tình, quý báu của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát của nền kinh tế thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đời sống người dân rất khó khăn; đến nay, Vĩnh Long đạt tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra; nền kinh tế tăng hơn 33% so năm 2020, GRDP tăng bình quân 6,18%/năm (Nghị quyết đề ra 6%); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 77 triệu đồng (Nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt 82,6 triệu đồng). Hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới trước 2 năm (giai đoạn 2020 – 2025), bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu tăng khá.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội; nhất là, chính sách đối với người có công với nước, chính sách an sinh xã hội. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm cho gia đình chính sách và các đối tượng nghèo khó khăn về nhà ở.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, công tác cán bộ được quan tâm hơn, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Chất lượng tổ chức đảng và đảng viên từng bước được nâng lên, thực hiện nghiêm các quy định, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kế toàn dân tộc.
Với những thành tựu đạt được thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng Nhất.
"Chúng ta mãi mãi biết ơn công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học tài năng, uyên bác, một vị lãnh đạo tâm huyết, mẫu mực, là tấm gương sáng về phong cách, đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết, trước hết, nguyện noi gương Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa và các vị cách mạng tiền bối ra sức học tập, sáng tạo trong công tác, lao động, góp phần vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định.